Theo đó, trên tuyến, chủ đầu tư sẽ xây 4 trạm thu phí đặt tại 4 nút giao, gồm: Trạm thu phí nút giao Diên Khánh, Trạm thu phí nút giao Suối Dầu, Trạm thu phí nút giao Cam Lâm và Trạm thu phí nút giao Cam Ranh. Có một nhà điều hành cao tốc CMO đặt tại Suối Dầu. Mỗi trạm thu phí có 4 làn thu (mỗi chiều có 2 làn thu), tại mỗi chiều có một làn thu phí tự động không dừng (ETC) đa làn tự do, một làn thu phí hỗn hợp (ETC+MTC).
Tại làn trung tâm (một làn theo mỗi chiều) áp dụng hình thức thu phí ETC không có barie, tốc độ xe qua làn tối đa là 120 km/h, còn các làn ngoài cùng là làn thu phí hỗn hợp (ETC+MTC) có barie với tốc độ xe qua làn tối đa là 40 km/h.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, từ 1/8/2022, Chính phủ yêu cầu trên các tuyến cao tốc chỉ thu phí tự động không dừng, vì thế, chủ đầu tư cần điều chỉnh hạng mục làn thu phí hỗn hợp. Đối với thu phí đa làn tự do, hiện chưa có hành lang pháp lý, chưa có quy định, hướng dẫn hay chế tài xử lý. Ngoài ra, Cục cho biết hiện chưa có chủ trương thu phí đối với đoạn tuyến đầu tư công nên khi đưa vào vận hành liên tuyến thiết kế chưa có hệ thống thu phí kín. Đơn vị này cũng yêu cầu nâng tốc độ thiết kế xe khi vào làn thu phí hỗn hợp là 60 km thay vì 40 km/h như phương án của chủ đầu tư.
Dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm có tổng chiều dài hơn 49km, do Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng vốn hơn 7.615 tỷ đồng. Dự kiến dự án thông xe kỹ thuật vào tháng 6 và bắt đầu thu phí từ tháng 9/2023.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.