Xem xét làm cầu Kênh Vàng gần 1.500 tỷ đồng nối Bắc Ninh - Hải Dương

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 06/09/2022 14:43

Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu các cơ quan có ý kiến về kiến nghị của tỉnh Bắc Ninh đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng nối hai tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương.


Xem xét đầu tư cầu Kênh Vàng gần 1.500 tỷ đồng nối Bắc Ninh-Hải Dương - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Kênh Vàng nối hai tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương

Hai tỉnh hợp sức làm cầu gần 1.500 tỷ đồng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ: GTVT, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tư pháp và UBND tỉnh Hải Dương về việc lấy ý kiến về đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Văn bản cho biết, Văn phòng Chính phủ nhận được Văn bản 425 ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Bắc Ninh trình Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan có ý kiến bằng văn bản về kiến nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh tại văn bản nêu trên và gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 12/9/2022.

Trước đó, trong Văn bản 425 gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong quá trình hình thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư của dự án UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Văn bản 445 ngày 5/11/2020 gửi UBND tỉnh Hải Dương về việc đề nghị phối hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng. Đến ngày 13/11/2020, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản số 4193 về việc phối hợp thực hiện dự án xây dựng cầu Kênh Vàng.

Căn cứ Văn bản 419 ngày 2/4/2021 của Thủ tưởng Chính phủ về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó, thông báo cho tỉnh Bắc Ninh số dự kiến vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu kết nối với hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với giá trị 900 tỷ đồng.

Đến ngày 10/5/2021, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương tại Nghị quyết 366 với tổng mức đầu tư dự kiến 1.590 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 28/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án tại Quyết định 1674, trong đó tổng mức đầu tư dự án là 1.480 tỷ đồng.

Ngày 5/5/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về tình hình triển khai dự án. Trong đó, phía tỉnh Hải Dương nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình hình thành pháp lý dự án độc lập cho công tác GPMB đối với dự án cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu kết nối với hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương (phần địa phận tỉnh Hải Dương).

Do vậy, hai tỉnh thống nhất đưa công tác thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật và bồi thường GPMB đường dẫn cầu Kênh Vàng đến QL37 (địa phận tỉnh Hải Dương) là hạng mục: Chi phí thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Đồng thời, xác định phía UBND tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm tổ chức điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi (bổ sung chi phí GPMB thuộc địa phận tỉnh Hải Dương vào tổng mức đầu tư của dự án). UBND tỉnh Hải Dương báo cáo HĐND tỉnh bổ sung Nghị quyết chấp thuận tham gia đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Để đảm cơ sở pháp lý trước khi báo cáo HĐND tỉnh Hải Dương, ngày 29/6/2022, UBND tỉnh Hải Dương có Văn bản 1887 về việc đễ nghị cho ý kiến về phương án phối hợp đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, nối tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương gửi Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT.

Ngày 18/7/2022, tại Văn bản 7226 của Bộ GTVT trả lời nêu rõ: "UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Hải Dương thống nhất phương án phê duyệt điều chỉnh trong đó đưa hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật và bồi thường, hỗ trợ GPMB phần đường dẫn cầu Kênh Vàng trên địa phận tỉnh Hải Dương là một hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu UBND tỉnh Hải Dương sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện là phù hợp với Điều 32 Nghị định 47 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tiếp đó, ngày 25/7/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản 5058 trả lời về nội dung phối hợp giữa tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Ninh cũng nêu: "Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 17, Điều 83, Điều 84 Luật Đầu tư công và Điều 30, Điều 31 Luật Ngân sách Nhà nước để tham mưu HĐND tỉnh xem xét, quyết định".

Ngày 11/8/2022, HĐND tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết số 30 về việc chấp thuận tham gia đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Ngân sách Trung ương bố trí 900 tỷ đồng cho dự án

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ, việc phân cấp trách nhiệm đầu tư xây dựng đối với tuyến đường liên vùng sử dụng vốn đầu tư công chưa quy định rõ trong luật.

Đồng thời, Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn cũng không quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công thực hiện trên địa bàn hai tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, mặc dù được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Bắc Ninh để bố trí cho dự án là 900 tỷ đồng tại Văn bản 419 ngày 2/4/2021 và chính thức tại Quyết định 1535 ngày 15/9/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thực tiễn một số dự án đi qua địa bàn hai địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền như: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang;  Dự án cầu Bạch Đăng; Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ,... 

UBND tỉnh Bắc Ninh nhận thấy, hồ sơ dự án còn thiếu văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: "Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở Trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác".

Trong Văn bản 425 ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Bắc Ninh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang ký nêu rõ, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho dự án, đảm bảo tiến độ dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, kịp thời tháo gỡ khó khăn để địa phương có cơ sở hoàn thiện thủ tục dự án theo quy định. Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng Kênh Vàng và dường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương. "Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để HĐND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh tỉnh Hải Dương; trong đó tổng mức đầu tư dự bao gồm chi phí GPMB, bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án thuộc địa phận tỉnh Hải Dương", UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất.