Xong cầu, thông đường miền Tây như gần lại...

Tác giả: Lệ Mỹ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/02/2024 08:48

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành rút ngăn thời gian lưu thông khi giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cưu Long.


Xong cầu, thông đường miền Tây như gần lại...- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 Lê Quốc Dũng tại công trường cầu Mỹ Thuận 2

Tự hào công trình của người Việt

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Cây cầu tọa lạc trên trục đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Đây là dự án cầu lớn đầu tiên do người Việt Nam làm chủ công nghệ, từ thiết kế đến thi công, giám sát công trình...

Ngược thời gian về sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận cách đây 23 năm vẫn còn nhớ như in hình ảnh người dân ĐBSCL nô nức tham dự buổi lễ, mong ngóng được đi trên cây cầu đầu tiên bắc qua sông Tiền, xóa bỏ thế "cô độc" của vùng sông nước Cửu Long.

Cầu Mỹ Thuận đã trở thành biểu tượng của hàng triệu người dân khu vực. Có lẽ vào thời điểm ấy, những cây cầu, những con đường chính là "cánh cửa" mở đến lòng dân, mở sự kết nối lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển của ĐBSCL.

23 năm sau, sự kiện cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành một lần nữa nhắc đến những hoài bão, ước mong của người dân trong khu vực về một bức tranh giao thông rực sáng. Bây giờ, giữa miền Tây sông nước với TP. Hồ Chí Minh không còn "ngăn sông cách chợ" nữa, thay vào đó là các cây cầu lần lượt xuất hiện như: Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống và mới đây là cầu Đại Ngãi cũng đã khởi công. Sự xuất hiện những cây cầu mới, con đường mới được kỳ vọng sẽ là bước đột phá cho các tỉnh trong khu vực phát triển mạnh mẽ và tận dụng lợi thế của thiên nhiên, của con người hài hòa, dễ mến ấy.

Ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 chia sẻ, quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn khách quan về mặt kỹ thuật, thời tiết bất lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công hệ dầm và dây văng… Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng như sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là nỗ lực, cố gắng từ phía chủ đầu tư, đơn vị thi công đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Từ đó, tiến độ thi công được đẩy nhanh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng công trình, an toàn lao động.

Để cây cầu thông xe vào cuối năm 2023 theo kế hoạch, Ban QLDA 7 cùng các đơn vị đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tập trung thi công, đưa dự án hoàn thành với chất lượng và hiệu quả đầu tư cao nhất.

Xong cầu, thông đường miền Tây như gần lại...- Ảnh 2.

Công trường cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Vượt "vũ môn" để về đích

Trong không khí hân hoan khi cầu Mỹ Thuận 2 nối đôi bờ sông Tiền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, người dân cũng rất đỗi vui mừng khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng chính thức hoàn thành.

Đây là dự án được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Trước đó, năm 2017, dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư bằng hình thức PPP. Tuy nhiên, do việc khó lựa chọn nhà đầu tư nên đến năm 2020 dự án được các cấp thẩm quyền chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Ngày 16/6/2020, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trong những tháng sau đó, Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng… đều dồn toàn lực để hoàn thành các báo cáo nghiên cứu khả thi, cân đối bố trí vốn. Theo đó, Ban QLDA Mỹ Thuận đã tích cực làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp về công tác giải phóng mặt bằng bởi đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, các hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu... cũng được rốt ráo chuẩn bị để ngày 4/1/2021 dự án chính thức khởi công.

Tuy nhiên, trong thời gian 3 năm đó liên tiếp những khó khăn, thử thách xuất hiện tại dự án. Đại dịch Covid khiến công trường phải "nằm im", sau đó là sự khan hiếm, bão giá vật liệu, những phát sinh khi thi công trên nền đất yếu đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Được tiếp cận và tìm hiểu dự án từ những ngày đầu đến khi khánh thành, chúng tôi thật sự cảm nhận được những nỗ lực của các đơn vị thực hiện dự án. Nhiều nhà thầu phải bù lỗ, huy động tài chính, máy móc, thi công vì nhiệm vụ, vì mục tiêu chung để phục vụ cộng đồng.

Xong cầu, thông đường miền Tây như gần lại...- Ảnh 3.

Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi kiểm tra đôn đốc tại công trường

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận chia sẻ, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã đặt mục tiêu hoàn thành dự án trong năm để khai thác đồng bộ với cầu Mỹ Thuận 2. Tuy nhiên, những khó khăn tại dự án khiến cho tiến độ trên công trường liên tiếp bị trượt. Khu vực thi công phải gia tải nền đất yếu, thời gian chờ lún kéo dài hơn so với dự kiến, đồng thời giai đoạn dỡ tải lại rơi vào mùa mưa khiến khó khăn lại càng khó khăn.

Nhận nhiệm vụ từ người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT tại Lễ Phát động phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe 4 dự án thành phần cao tốc phía Đông, các đơn vị đã nỗ lực, phấn đấu, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", quyết tâm hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2023. "Ngay sau đó, các nhà thầu đã nỗ lực triển khai các mũi thi công và huy động máy móc thiết bị, tăng ca làm đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ. Không chỉ riêng các nhà thầu, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đã tăng cường nhân sự để phối hợp với tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xử lý các vướng mắc trên công trường 3 ca liên tục. Lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cũng túc trực thường xuyên tại công trường để đôn đốc việc thi công. Với tinh thần phải hoàn thành dự án bằng mọi biện pháp, các nhà thầu đã tương trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành các hạng mục của dự án.

Trên công trường không một giờ ngưng ca, khi về đêm đèn lu máy xúc sáng rực cả vùng trời, tiếng cười nói của các công nhân vẫn rền vang, không khí thi công khẩn trương, tấp nập trên cả 3 gói thầu xây lắp.

"Nhà thầu luôn ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia vào dự án. Tuy nhiên, khu vực thi công của đơn vị vướng giải phóng mặt bằng, đến đầu năm 2023 mới được địa phương bàn giao. Với nhiệm vụ thông tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ trong năm để phục vụ người dân, nhà thầu đã huy động mọi nguồn lực từ thiết bị, nhân lực, tài chính về công trường. Khi các hạng mục của đơn vị hoàn thành lập tức hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các đơn vị khác", Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Định An Cao Đăng Hoạt chia sẻ.

"Chưa bao giờ tinh thần thi công và sự tương trợ lẫn nhau của các nhà thầu được thể hiện rõ như tại dự án này. Trên đại công trường, máy móc, thiết bị của các gói thầu đan xen nhau. Khi xe lu, máy ủi của đơn vị đắp nền đường xong sẽ được điều phối, huy động sang gói thầu khác để hỗ trợ. Thậm chí, có các nhà thầu như CC1, Khánh Cường... dù không tham gia dự án nhưng sẵn sàng hỗ trợ máy móc, thiết bị đến công trường. Mong rằng, ngành GTVT sẽ phát triển vững mạnh, tinh thần thi công "vượt nắng thắng mưa" luôn hiện diện khắp mọi công trường, rộn ràng ca khúc khải hoàn trong ngày chiến thắng", ông Thi xúc động xen lẫn tự hào.