Xuân chia sẻ
Xã Đức Hạnh, nằm ở phía Bắc huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng là xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nằm cách trung tâm huyện Bảo Lâm 43 km, giao thông đi lại rất khó khăn, bên là vách núi bên là vực sâu, trời nắng thì bụi bay mù mịt, bụi đất bám bờ thành từng mảng, mỗi khi phương tiện đi qua thì cả một khu vực được bao quanh bởi bụi... Trời mưa thì lớp bụi này biến thành một lớp bùn nhão, ngập ngang bánh xe máy... quãng đường 43 km đoàn chúng tôi đi mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới vào được trung tâm xã, và khi vào đến các hộ dân phải tăng - bo bằng xe máy. Con đường dẫn vào xã Đức Hạnh đang được xây dựng, nhưng đường vào khó khăn và ảnh hưởng của mưa bão đặc biệt là cơn bão số 3 vừa qua đã làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đi lại của người dân.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT ông Hà Văn Thài, Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh cho biết, giao thông thì rất khó khăn, còn tình trạng nhà ở của người dân đặc biệt là các hộ nghèo, vẫn chủ yếu là nhà tạm bợ, dột nát, không đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, như vách nứa, mái cỏ, cột kèo siêu vẹo… Đây là xã miền núi với điều kiện kinh tế khó khăn, đa phần người dân sinh sống bằng nghề nông, thu nhập thấp, sản xuất của bà con nơi đây chủ yếu là tự cung tự cấp... nên cái nghèo đeo đẳng, bám lấy người dân nơi này như "bụi đường ngày nắng, bùn đất ngày mưa". Đơn cử tại xóm Dìn Phà, thuộc xã Đức Hạnh có 231 hộ dân đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát, chủ yếu tập trung ở các xóm đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù chính quyền và người dân rất cố gắng trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhưng tình trạng nhà ở chưa được cải thiện một cách toàn diện do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng còn hạn chế, người dân muốn giúp nhau cũng khó vì bản thân họ cũng rất khó khăn.
Vào thăm căn nhà của anh Sùng Mí Sính, và Sùng Mí Chừ ở thôn Dìn Phà, mà chúng tôi không cầm được nước mắt và không nghĩ rằng đời sống của bà con lại khó khăn đến như thế này, trong nhà thì không có gì ngoài tường phên vách gỗ, gió mùa Đông Bắc thổi rít qua từng khe hở, áo trong, áo ngoài như chúng tôi còn cảm thấy cái lạnh thấu xương... Vật dụng trong nhà không có gì ngoài vài cái xoong đã bị méo, bát thì sứt mẻ, mỗi cái một loại. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay anh Sính và anh Chừ đơn thân nuôi con nói tiếng phổ thông không rõ, vợ nó bỏ con đi rồi, không biết bao giờ về! khổ lắm...! chỉ mong có một cái nhà cho nó ấm thôi!
Mùa xuân yêu thương
Ông Đoàn Trọng Hùng, Bí thư huyện ủy Bảo Lâm cho biết, Bảo Lâm là huyện vùng núi, khó khăn của tỉnh Cao Bằng, có số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm gần 72%, trong đó hộ nghèo có 4.754 hộ, hộ cận nghèo có 4.570 hộ, năm 2024, từ nguồn quỹ đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà với 6.397 suất quà được trao đến tay người nghèo, tổng trị giá các phần quà trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho 112 nhà với số tiền trên 4 tỷ đồng. Cơn bão số 3 vừa qua đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của nhân dân. Để khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã kêu gọi và tiếp nhận ủng hộ được 15 tỷ 928 triệu đồng tiền mặt, 69,3 tấn gạo, trên 460 tấn các nhu yếu phẩm khác, qua đó kịp thời hỗ trợ, động viên người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai.
Ông Nguyễn Việt Hưng Chủ tịch Công đoàn Cục ĐBVN cho biết, ngay sau khi cơn bão số 3 xảy ra Đảng ủy, Công đoàn Cục ĐBVN đã có trao đổi với Huyện ủy Bảo Lâm lên thăm hỏi, chia sẻ với bà con bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đến nay chúng tôi mới lên được, lên đây chúng tôi cảm nhận được khó khăn, vất vả của bà con, của những người đang ngày đêm chăm lo đời sống, bình yên của vùng đất nơi "địa đầu" của Tổ quốc.
Với việc hỗ trợ cho 2 gia đình anh Sùng Mí Sính, và Sùng Mí Chừ ở thôn Dìn Phà, xã Hạnh Phúc xây nhà theo chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động của ngành Đường bộ gửi tấm lòng của mình chia sẻ với khó khăn của gia đình và chính quyền địa phương trong mục tiêu chung "xóa đói, giảm nghèo" của cả nước. Qua chuyến thực tế này, ghi nhận những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây, chúng tôi sẽ báo cáo Đảng ủy Cục ĐBVN, tiếp tục kêu gọi người lao động chung tay, đồng hành cùng với chính quyền địa phương thực hiện các chương trình hướng về đồng bào vùng cao, vùng khó khăn bằng các sản phẩm thiết thực như: Xây điểm trường, xây bếp ăn, nhà công vụ, giao thông, và xây dựng nhà "Đại đoàn kết".
Chia tay chúng tôi, ông Đoàn Trọng Hùng cho biết, sắp tới con đường dẫn vào xã Đức Hạnh sẽ được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trong năm 2025, lúc đó không chỉ xã Đức Hạnh mà cả xã Lý Bôn sẽ kết nối với huyện tốt hơn, lúc đó giao thương sẽ thuận lợi, đời sống của bà con sẽ tốt lên. Địa phương sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, nhưng chúng tôi cũng mong muốn các tổ chức, đoàn thể, các mạnh thường quân hỗ trợ nguồn lực xã hội hóa cùng với địa phương giúp bà con nâng cao đời sống, thoát được cái nghèo.
Công đoàn Cục ĐBVN đã hỗ trợ xã Hạnh Phúc xây dựng 2 căn nhà cho ông Sùng Mí Sính và Sùng Mí Chừ mỗi căn 50 triệu đồng, trao quà cho 33 hộ nghèo và 40 cháu học sinh thuộc hộ nghèo thuộc thôn Dìn Phà và trao 20 xuất quà cho các hộ bị thiệt hại nghiêm trọng trong cơn Bão số 3 với tổng số tiền trên 310 triệu đồng.
Một số hình ảnh đoàn công tác:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.