Tự tử là một vấn nạn tại Nhật Bản. |
Khi bắt đầu vào trường trung học, Nanae Munemasa luôn bị bạn bè bắt nạt.
Nanae từng kể rằng em thường bị các bạn nam dùng chổi đánh, hoặc bị các bạn nữ tát trong phòng vệ sinh, kể cả trong giờ bơi em cũng bị tấn công.
"Em là người cuối cùng đi ra khỏi bể bơi", nữ sinh 17 tuổi nói. "Những vết bầm xuất hiện khắp trên cơ thể em. Mấy bạn cùng lớp đánh em khi ở dưới nước. Có lúc, em gần như ngạt thở".
Nanae bắt đầu bỏ học. Em cũng đã nghĩ về việc tự kết liễu đời mình.
Nhưng em không phải là trường hợp duy nhất.
Học sinh Nhật Bản thường tự tử vào ngày 1/9 hàng năm. Đây là ngày cố người tự tử nhiều nhất tại đất nước này, theo số liệu được đưa ra bởi cơ quan ngăn chặn tự tử tại Nhật Bản sau 40 năm nghiên cứu.
Sở dĩ đây là ngày có số người tự tử cao do trùng với ngày đầu tiên bắt đầu năm học mới sau khi kì nghỉ hè kết thúc.
"Chuỗi ngày nghỉ hè dài giúp em có thể nghỉ ngơi ở nhà và không phải tới trường. Với những em hay bị bặt nạt, đó là thiên đường. Khi mùa hè kết thúc, bọn em phải quay lại trường, và lại sợ hãi bị bắt nạt. Vì vậy, nhiều người có ý định tự tử".
Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, và bắt nạt trong trường học là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tự tử, bên cạnh áp lực công việc. Kết luận này được đưa ra sau khi chính phủ tiến hành nghiên cứu 18048 ca tự tử của thiếu niên dưới 18 tuổi từ năm 1972 đến 2013.
Nanae cho biết em bị trở thành đối tượng bị bắt nạt sau khi chuyển trường. Khi mọi thứ tệ hơn, em đã muốn tự tử, nhưng rồi lại thôi.
"Em đã nghĩ đến việc cắt cổ tay, nhưng điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến cha mẹ và cũng không giải quyết được vấn đề gì".
Mẹ của Nanae, chị Mina Munemasa hoàn toàn ủng hộ quyết định của con mình.
"Nanae từng nói rằng: Nếu con nhảy xuống tháp Tokyo, con có thể bay. Tôi không nghĩ rằng trường học lại là nơi bạn phải mạo hiểm cả mạng sống để tới đó".
Theo Nanae, em cho rằng việc giáo dục Nhật Bản tập trung quá nhiều vào "xã hội tập thể" là nguyên nhân của vấn đề.
"Ở Nhật Bản, bạn phải tuân theo những quy chuẩn chung. Nếu bạn không thể làm điều ấy, một là bạn sẽ bị bỏ quên, hai là bị bắt nạt. Bạn phải có suy nghĩ gì giống với những bạn bè khác; còn nếu muốn "chơi trội", lập tức bạn sẽ bị bắt nạt".
Kể từ năm 1972, hơn 18000 người trẻ Nhật Bản dưới 18 tuổi đã tự tử.
Chuyên gia tâm lý trẻ em Ken Takaoka cho biết tỷ lệ tự tử tăng cao khi học sinh bắt đầu năm học mới bởi vì nhà trường thường "ưu tiên những hành vi mang tính khuôn mẫu". Những em nhỏ không theo kịp với nhóm sẽ bị bỏ lại.
Để nâng cao ý thức về vấn đề này, một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản, Futoko Shimbun, đã in một tờ báo cho trẻ nhỏ nhỏ, những em ở nhà để không bị bạo hành. Keiko Okuchi, một trong những người đại diện của tổ chức, cho biết vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì trong văn hóa xã hội Nhật Bản, người ta coi việc đến trường là lựa chọn duy nhất.
"Nó giống như địa ngục cho học sinh khi các em biết rằng mình sẽ bị bắt nạt ở trường nhưng vẫn phải tới", chị cho biết.
Giờ đây, Nanae đã quay trở lại trường học và có cuộc sống ổn định. Em cũng thường xuyên giúp đỡ bạn bè, viết blog về những gì mình đã trải qua.
"Nó sẽ rất tuyệt nếu blog của em có thể giúp đỡ ai đó, ít nhất là 1 người dừng suy nghĩ về việc tự tử".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.