1 triệu tiền thật "ăn" 10 triệu tiền giả: Nhức nhối mùa cận Tết

Doanh nghiệp 21/01/2019 05:50

Thời điểm cuối năm, giao dịch tiền mặt tăng cao, các đối tượng buôn bán, lưu thông tiền giả tìm cách tuồn vào thị trường tiền tệ các loại tiền giả.


 

photo-1-15479474031481345709322
Tiền giả tìm cách len lỏi mùa cận tết.

Ngang nhiên rao bán

Mới đây, nhân viên cửa hàng kinh doanh xăng dầu Bình Nam (ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An) đã phát hiện 2 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Người này cho biết, qua kiểm tra và phát hiện 2 tờ tiền giả được lận vào trong nhiều tờ tiền thật. Do quá đông khách, nhiều người mua với số lượng lớn trên 100 lít xăng nên các đối tượng đã trà trộn tiền giả vào.

Để rõ hơn tình hình tiền giả mùa cận tết, theo chân một đầu mối từng "chơi" tiền giả, PV đã gặp được một đối tượng cung cấp loại tiền này. Tại một quán cà phê, trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP.HCM), nhóm PV đã gặp được người tên Vũ đang rao bán loại tiền giả từ mệnh giá 50.000 đồng cho đến 500.000 đồng.

Tuy nhiên, "do quen biết từ lâu" nên khi vào cuộc ngã giá, Vũ cho biết: "Nếu cần xài Tết thì nên mua mệnh giá nhỏ, từ 200.000 trở xuống. Còn sử dụng tờ 500.000 đồng sẽ bị nghi và dễ bị phát hiện. Riêng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng hay 200.000 đồng thì dễ xài, nhất là ở các chợ truyền thống".

Về giá cả, hiện Vũ đang cung ứng là 1 triệu tiền thật "ăn" được 10 triệu đồng tiền giả. Khi mua hàng, sẽ giao dịch trực tiếp và nhận được tiền sẽ thanh toán, chứ không qua trung gian hay qua đường bưu điện.

Tương tự, không khó để tìm thấy rất nhiều điểm rao bán tiền giả. "Hiện tôi đang cung cấp tiền, rất giống thật mà mắt thường không thể phát hiện", người tên Thắng rao trên một website cho biết.

Về giá, Thắng đang rao, 1 triệu "ăn" 12 triệu tiền giả. So với cách đây vài ba năm, các điểm này đều đã "hạ giá". Nếu như trước đây, 1 triệu tiền thật chỉ "ăn" được 5 – 7 triệu đồng tiền giả thì nay đã tăng lên gấp đôi.

Tiền giả không thấy, mất luôn tiền thật

Bên cạnh các điểm nêu trên còn hàng loạt điểm rao công khai trên mạng. Tuy nhiên qua tìm hiểu, điều tra của PV cho thấy, các điểm này chủ yếu là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một đối tượng đã lừa bán tiền giả nhằm chiếm đoạt tài sản bị bắt và nhận án 22 năm tù giam.

Theo đó, những đối tượng này rao là có tiền giả, rồi hướng dẫn người "nhẹ dạ cả tin" mua với tỉ lệ rất lớn, ví như 1 triệu được 12 triệu, 2 triệu được 20 triệu đồng. Đồng thời, các đối tượng yêu cầu mua thẻ thanh toán đa năng để thanh toán. Thực tế, sau khi thanh toán tiền thì không thể liên lạc được qua điện thoại với các đối tượng nêu trên.

Đại diện Công an TP.HCM cho biết: "Thông qua các mạng xã hội, như Zalo, Facebook, Viber… các đối tượng đã công khai rao mua bán tiền giả với nhiều hình thức tinh vi. Theo đó, người mua chuyển tiền mặt vào tài khoản mà các đối tượng cho, sau đó, sẽ chuyển tiền giả đến trực tiếp cho người mua hoặc thông qua bưu điện hoặc xe khách liên tỉnh… Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng buôn bán tiền giả là lừa đảo, chiếm đoạt tiền thật của người mua tiền giả".

Khi có nghi vấn tiền giả hay nghi ngờ các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, lưu thông… tiền giả thì cần phải báo ngay cho lực lượng chức năng gần nhất để vào cuộc xử lý.

Cũng theo vị này: "Khi có nghi vấn tiền giả hay nghi ngờ các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, lưu thông… tiền giả thì cần phải báo ngay cho lực lượng chức năng gần nhất để vào cuộc xử lý. Đồng thời, người dân cũng tránh tham gia vào việc tiêu thụ, tàng trữ, mua bán và lưu hành tiền giả… dưới mọi hình thức".

Luật sư Nguyễn Văn Thành, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Việc mua bán tiền giả bất kỳ dưới hình thức nào đều vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bị phát hiện thì sẽ xử lý, tùy vào mức độ mà sẽ có hình thức xử lý. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị tuyên án tù chung thân".

Ý kiến của bạn

Bình luận