10 giải pháp chống ô nhiễm do giao thông đô thị

Tác giả: huy côn

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 13/02/2016 06:41

Tình trạng ô nhiễm tại các đô thị trên phạm vi toàn thế giới đã và vẫn là những vấn đề làm đau đầu các chuyên gia về môi trường, các nhà kiến trúc xây dựng và chính quyền các thành phố. Người ta bắt buộc phải nghĩ tới các biện pháp để quản lý đô thị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sau đây là 10 gợi ý để giảm thiểu ô nhiễm do giao thông đô thị.

xe dap

 1. Tiết kiệm nhiên liệu

Biện pháp này rõ ràng không chỉ giảm thiểu chi phí nhiên liệu cho các phương tiện giao thông mà còn hạn chế lượng khí thải trong không khí. Tại nhiều nước hiện áp dụng khẩu hiệu: “Ít tốn xăng để ít bị ô nhiễm”. Trong vài ba thập kỷ qua, nhiều hãng sản xuất ô tô còn coi nhẹ nhân tố này, song cá biệt đã có vài hãng xe giới thiệu được những mẫu xe hơi, chỉ tiêu thụ dưới 3 lít xăng trên 100km. Còn về hình dáng xe cũng có nhiều cải tiến thích hợp: Đầu nhọn hơn, đuôi tròn hơn, thùng xe thấp hơn và vành xe cũng nhẹ hơn. Tất cả những đặc điểm này nhằm tạo cho xe đạt hiệu năng di chuyển cao mà không suy giảm độ bền chắc.

2. Dùng nhiên liệu hảo hạng

Đó là gaz “dầu hỏa hóa lỏng”, là một hỗn hợp các chất khí butan và propan không chứa chì hay benzen. So với xăng thường, nhiên liệu này chỉ phóng thích ra một lượng monôoxyt cacbon và ôxyt nitric bằng một nửa. Nhiên liệu này đốt cháy hoàn hảo hơn và động cơ ít bị hao mòn và không gây ồn. Tuy nhiên, đến nay, nhiên liệu này vẫn chưa hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường vì nhiều nguyên nhân, trong đó có dụng cụ chở theo xe (giá thành khoảng trên 2.000 USD) và các trạm xăng phải trang bị bơm chuyên dụng. Đó là chưa kể tới sự lặng thinh của các nhà sản xuất ô tô và sự chống đối không khoan nhượng từ các nhà kinh doanh dầu hỏa.

3. Dùng “pô xúc tác” hoàn chỉnh

Cách đây hơn 25 năm, ống pô xúc tác đã được sử dụng như một biện pháp ngăn ngừa phần lớn chất ô nhiễm trong khí thải. Dụng cụ này có cấu tạo thích hợp, khiến khói từ động cơ phải đi qua chiếc hộp cố định ở ống pô thoát khí có nhiều lỗ nhỏ giữ lại các chất ô nhiễm và cả xăng không cháy hết. Tuy ống pô này còn có một vài nhược điểm cần khắc phục thêm, nhưng rõ ràng đã có tác dụng khá tốt.

4. Dùng chung xe

Biện pháp này có từ nước Mỹ. Theo cách này, những người cùng sống ở một phố hay cùng làm việc một cơ quan sẽ tập hợp lại để đi chung xe. Biện pháp này có lợi là tiết kiệm nhiên liệu và giảm tắc nghẽn giao thông, không cần nhiều bãi đỗ xe trong thành phố. Biện pháp đi chung xe này càng được khuyến khích khi người ta xây dựng một xa lộ thu thuế cầu đường tự động đầu tiên ở cửa ngõ Los Angeles. Hệ thống này miễn phí cho tất cả những loại xe cộ chuyên chở từ ba người trở lên. Hệ thống này đã từng được áp dụng trước đó tại Singapore.

5. Ưu tiên cho người đi xe đạp

Giải pháp này được đặc biệt chú trọng tại Pháp. Đặc biệt, nhà sinh học Noel Mamère đã yêu cầu làm một bãi để xe đạp trước tòa nhà Quốc hội Pháp và ra sức thuyết phục các đại biểu Quốc hội đi lại bằng phương tiện sạch sẽ và gọn nhẹ này. Từ đó, “Chương trình Mamère” ra đời và có 190 xã tham gia. Có nơi như Grenoble, người đi bộ và người đi xe đạp được dành quyền ưu tiên khi di chuyển ở trung tâm đô thị. Tại tòa thị chính Grenoble cũng đã mua gần 100 xe đạp để cấp miễn phí cho các cơ sở và đại biểu sở tại.

6. Khuyến khích đi bộ

Tại Hy Lạp, từ cuối thế kỷ XX đã cấm các loại xe cộ đi vào các khu trung tâm có nhiều di tích lịch sử của thành phố Athènes. Dưới chân thành Acropol có khoảng vài hecta dành cho người đi bộ. Có lẽ đây là một nơi duy nhất ở châu Âu thực hiện được biện pháp mạnh mẽ đó.

7. Quản lý chặt chẽ phương tiện di chuyển

Phải nêu gương của Tokyo - Nhật Bản, nơi có hàng chục triệu xe cộ qua lại. Ngoài những đại lộ, xa lộ vượt và những đường vòng ngoại vi, phần lớn các khu dân cư là “những ốc đảo bình yên”, tại đây xe đạp là phương tiện được ưu ái nhất. Các biện pháp bắt buộc như: Xây dựng nhà để xe, thu giá cao ở các bãi để xe cũng như tiền phạt kịp thời, tăng cường các phương tiện vận chuyển công cộng… đã góp phần quản lý tốt thành phố khổng lồ này của Nhật Bản. Ngoài ra, các xe taxi, xe ca và xe cảnh sát ở đây còn phải sử dụng nhiên liệu “gaz dầu hỏa hóa lỏng”.

8. Lưu hành luân phiên theo số chẵn và số lẻ của xe

Thể thức này áp dụng lần đầu tiên tại Pháp. Theo đó, việc lưu hành ô tô trên đường phố được quy định theo con số cuối cùng của biển số xe, có nghĩa là số chẵn và số lẻ lưu hành theo các ngày xen kẽ với nhau. Tất nhiên, quy định này loại trừ các xe chuyên chở công cộng, xe chạy gaz hay chạy điện, cũng như xe thực hiện các công việc khẩn cấp khác. Các thành phố Athènes, Mexico City và Milan cũng đã có lúc áp dụng giải pháp này.

9. Xa lộ điện tử

Đó là loại xe cộ chạy thử nghiệm trên xa lộ điện tử đầu tiên của thế giới tại California - Mỹ. Trong khoảng vài kilômét, giữa hai hàng cọc tiêu điện tử, các loại ô tô được trang bị máy tính điện tử đặc biệt sẽ hướng dẫn chạy trên những đường ray vô hình. Không ồn, không nguy hiểm, không gây ô nhiễm là những ưu thế của hệ thống xa lộ này. Các nhà phát minh sử dụng thí điểm hệ thống xa lộ điện tử nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông và gây ô nhiễm.

10. Xe chạy bằng điện

Về phương diện bảo vệ môi trường, đây là một giải pháp tối ưu. Loại xe này có động cơ nằm ở các bánh xe, được cung cấp năng lượng từ những bình điện đặt trong cốp xe. Tuy nhiên, loại hình còn tồn tại một số bất tiện: Hệ thống bình điện quá nặng, choán không gian chất hành lý. Thời gian chạy với số bình điện đó chỉ đủ cho một cự ly chạy trên dưới 100km, sau một khoảng thời gian nhất định, từ 4 - 6 giờ lại phải sạc điện. Ngoài ra, số trạm điện đáp ứng được yêu cầu nạp điện này cũng còn quá ít.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong xây dựng đô thị của Việt Nam trong những năm gần đây là sự gia tăng ô nhiễm ngày càng nặng nề do giao thông gây ra. Tùy lúc, tùy nơi, chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng một hoặc nhiều biện pháp nêu trên để góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị.

Ý kiến của bạn

Bình luận