5 nguyên tắc chuẩn bị
- Bảo dưỡng xe: Thông thường các nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng bảo dưỡng xe theo số km: Xe mới thì 5.000 km đầu tiên vào bảo dưỡng lần đầu (thay nhớt, lọc nhớt, châm nước rửa kính), sau đó thì cứ 8.000 - 10.000 m vào bảo dưỡng một lần. Tuy nhiên, trước Tết chừng một tháng nên đưa xe đi kiểm tra tổng thể các hạng mục như: Dầu máy, dầu hộp số (xe tự động), nước làm mát, ắc quy, lốp và phanh, hệ thống treo và tay lái. Nên đưa xe vào đại lý chính hãng hoặc cửa hàng đã tin tưởng bảo dưỡng quen. Đây cũng là dịp thuận lợi để bạn làm mới sơn hoặc nội thất.
- Làm quen tay lái: Nếu là “tài non” hoặc ít sử dụng xe, và muốn “ôm” vô-lăng suốt nhiều ngày Tết, bạn nên làm quen với loại xe mình sẽ lái trước vài tuần. Chọn khu vực trống, thực hành tăng tốc, bẻ lái, phanh, lùi xe… Điều quan trọng là phải tập được cảm giác tự tin sau vô-lăng, thay vì sự hồi hộp và lo lắng.
- Thử lại các kỹ năng sơ cứu ôtô: Các dịch vụ cứu hộ có thể hạn chế trong dịp lễ. Vì vậy, hãy tranh thủ thực hành lại kỹ năng sơ cứu ôtô đơn giản như tháo lắp lốp, câu điện ắc-quy, tháo lắp và lau bu-gi… Đây cũng là dịp để bạn kiểm tra lại các dụng cụ, đồ vật không thể thiếu trên ôtô như: bộ tháo lắp tay, bộ nâng kích gầm, lốp dự phòng, bình điện dự phòng, bộ đo áp suất lốp, đo điện, bình cứu hỏa… Nếu có điều kiện, bạn nên mua thêm bộ bơm hơi hoặc vá xe tự động dùng nguồn điện trên ôtô. Bơm hơi có giá từ 500.000 đến 600.000 đồng, bơm vá keo tự động có giá từ 1,6 đến 2,1 triệu đồng.
Bộ bơm vá tự động dành để cứu hộ khẩn cấp trên đường |
- Các món đồ cần có trên xe: Ngoài các dụng cụ liên quan đến sơ cứu ôtô như trên, trước khi lên đường, trong xe nên có sẵn túi cứu thương (bông băng, cồn y tế, thuốc cảm), nước sạch đóng chai và thức ăn nhẹ đủ cho số người đi cùng. Nếu đi xa, bạn cần có thêm bản đồ hoặc hệ thống dẫn đường GPS. Đi theo đoàn, trên mỗi xe cần có một bộ đàm để thông tin liên lạc thông suốt. Cài đặt điện thoại chế độ gọi điện nhanh cho người tin tưởng để báo tin trong trường hợp khẩn cấp.
Hộp y tế |
- Kiểm tra kỹ hành trình sắp đến: Với những chuyến đi xa, nên nắm được tốt nhất các thông tin cần thiết như: thời tiết, nhà nghỉ, món ăn, an ninh, nơi sửa xe. Ngoài ra, việc lên kế hoạch cho chuyến đi kỹ càng cũng giúp bạn kiểm soát được tài chính cũng như thời gian vui chơi. Trước chuyến đi dài nên giữ sức khỏe, ngủ đủ.
5 nguyên tắc lái xe:
- Luôn đảm bảo các quy tắc an toàn trước khi lái xe: Dù là đi chơi hay đi làm, bạn cần tuân thủ các quy định an toàn khi đi trên xe như thắt dây an toàn, chỉnh vị trí gương quan sát thuận lợi cho người lái, không bật nhạc quá to, người lái không mặc quần áo quá chật, quá nhiều, không đi giày cao gót hoặc đế cao, dép xỏ ngón (nên đi giày đế mềm) dễ gây cản trở thao tác xử lý tình huống. Bệ để đồ phía sau không nên treo nhiều đồ trang trí hoặc để chất đống đồ đạc, khó quan sát.
- Di chuyển trên phố: Tuân thủ tốc độ quy định, không tăng giảm ga thất thường bởi dễ xảy ra tình huống xung đột bất ngờ với xe máy trong môi trường chật hẹp. Ban đêm không dùng đèn pha mà chuyển sang đèn cốt.
- Trên đường cao tốc: Quy tắc quan trọng nhất là duy trì 1 khoảng cách an toàn, điển hình nhất là quy tắc 3 giây. Để đơn giản, bạn hãy nhân vận tốc của xe với 0,28 rồi nhân tiếp với 3, kết quả chính là số mét khoảng cách tối thiểu bạn cần giữ giữa xe của bạn và xe phía trước. Ví dụ, bạn đang đi với vận tốc 60km/h, vậy bạn cần giữ khoảng cách tối thiểu với xe phía trước là 60 x 0,28 x 3 = 50m. Khi gặp sự cố hư hỏng, cố gắng kéo xe ra khỏi lòng đường, đặt biển báo hiệu dù đang là ban ngày hay ban đêm.
- Trên địa hình xấu: Không vào đường lầy, đường đá to (offroad) nếu xe bạn không phải loại SUV gầm cao, truyền động 2 cầu. Với xe địa hình, cần trang bị thêm tời, mỏ neo, ống thở cho cửa hút nếu muốn trải nghiệm ở những cung đường khó nhằn. Sử dụng phanh 1 cách nhẹ nhàng và lái xe không bị giật cục. Giữ xe bạn sạch sẽ đặc biệt là đèn trước, kính chắn gió và đèn hậu, sử dụng đèn báo hiệu khẩn cấp nếu cần thiết.
- Trên địa hình đèo núi: Đặc điểm của đường đèo núi là đường đi uốn theo vòng xoáy ốc, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất lái, phanh hỏng, đường trơn, khuất tầm nhìn. Vì vậy nếu phương tiện mà bạn đang cố vượt qua tăng tốc hãy để nó vượt, đừng tham gia vào 1 cuộc bám đuôi, nếu đã vượt phải đảm bảo không vượt ở góc cua tay áo, không ngần ngừ khi vượt. Đi chậm hay tránh hẳn vào lề đường trong những điều kiện hạn chế tầm nhìn.
Khi đi đường đèo nên bật đèn dù là ban ngày để có thể phát tín hiệu cảnh báo cho các phương tiện khác đi cùng lưu thông trên đường. Trong thời tiết có sương mù, nên bật đèn gầm hoặc dán nylon màu vàng vào đèn. Khi vào cua thì cần chú ý: thứ nhất giảm ga, thứ hai bóp còi, thứ ba mở cua, thứ tư nhấp phanh (tùy tình huống), thứ năm cắt cua. Khi đổ đèo nên dùng số để hãm tốc độ của xe thay vì lạm dụng phanh, tránh không rà phanh bởi việc này sẽ khiến má phanh nóng và dẫn tới mất ma sát và cháy may-ơ làm phanh mất tác dụng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.