10 sự kiện ngành GTVT năm 2015

Tác giả: Tạp chí GTVT

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 07/02/2016 13:47

Năm 2015, toàn ngành GTVT nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy lùi thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, nhiều lĩnh vực có bước phát triển vượt bậc, tạo dấu ấn và tiền đề cho các năm tới. Tạp chí GTVT tổng hợp và bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu.

1. cai cach hanh chinh

1. Bộ GTVT liên tiếp dẫn đầu cải cách hành chính

Năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp Bộ GTVT dẫn đầu 19 bộ, ngành về các chỉ số cải cách hành chính với 81,83 điểm. Bộ GTVT đã hoàn thành vượt kế hoạch xây dựng văn bản QPPL, đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Bộ GTVT rất quan tâm đến công tác cải cách thể chế, trong đó có việc cải cách cơ chế chính sách phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ đã rà soát tất cả các văn bản đã ban hành để xem xét, đánh giá tính hiệu quả và mức độ hợp lý đến đâu.

2. Hạ tầng giao thông tăng 36 bậc

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (2011 - 2015). Mức thăng hạng ấn tượng của Việt Nam được ghi nhận trên hai chỉ số mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông. Thời gian qua, ngành GTVT đã hoàn thành hơn 300 công trình hạ tầng giao thông lớn, góp phần thay đổi diện mạo đất nước như: Dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cụm công trình Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, đường nối Nhật Tân - Nội Bài và cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

3. Đưa QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vào khai thác sớm từ 12 - 18 tháng

Đây là 2 đại dự án với quy mô lớn, tổng mức đầu tư hơn 116.600 tỷ đồng, khối lượng GPMB nhiều nhất, trải dài nhất nhưng lại hoàn thành nhanh nhất (rút ngắn từ 12 - 18 tháng). Việc thực hiện dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 54% kinh phí từ NSNN, huy động được hơn 46% kinh phí ngoài ngân sách (54 nghìn tỷ đồng) là bước đột phá lớn; quá trình triển khai các dự án đã tiết giảm so với tổng mức vốn dự kiến ban đầu khoảng 17.082 tỷ đồng. Sau khi các dự án được đưa vào khai thác, tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7 - 10 giờ chạy xe; tuyến từ Tây Nguyên về TP. Hồ Chí Minh và ngược lại cũng giảm ít nhất 3 - 4 giờ chạy xe.

3. duong HCM qua Ty Nguyen

4. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đại nhất Việt Nam đưa vào khai thác

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hiện đại với chiều dài toàn tuyến là 105,5km, sử dụng công nghệ mới có lớp tạo nhám, chống ồn, camera giám sát toàn tuyến. Việc đưa cao tốc vào khai thác mở đường cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng thông ra biển lớn chỉ với 1 giờ đồng hồ (so với 3 giờ trước đây). Đây là tuyến cao tốc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

4 cao toc ha noi - hai phong

5. Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội nhất trí đầu tư

93% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành. Đây là dự án quan trọng đối với vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước. Việc đầu tư CHK quốc tế Long Thành là việc làm quan trọng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng không, giải quyết bài toán quá tải của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và hướng tới việc hình thành phát triển CHK trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

6. 4 năm liên tiếp TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí

Đây là năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2012 đến nay, TNGT giảm cả ba tiêu chí, điều đó cho thấy công tác đảm bảo ATGT đã dần đi vào chiều sâu, TNGT được kéo giảm bền vững. Với chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và cả hệ thống chính trị, toàn xã hội đã vào cuộc, cùng hướng tới mục tiêu kéo giảm 5 - 10% TNGT mỗi năm; trong đó phải kể đến sự chủ động, đổi mới quản lý của Bộ GTVT trong công tác quản lý vận tải, siết chặt kinh doanh vận tải, đổi mới chương trình đào tạo, quản lý người lái và phương tiện.

7. Huy động vốn xã hội đầu tư vào hạ tầng giao thông đạt kỷ lục

Ngành GTVT đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, giảm gánh nặng cho NSNN. Giai đoạn 2011 - 2015, số vốn kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho phát triển kết cấu hạ tậng giao thông đường bộ đạt 186.660 tỷ đồng (chiếm 92,15% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay). Cùng với huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nhanh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư được thực hiện hiệu quả.

8. Dẫn đầu cả nước về cổ phần hóa

Tính đến hết năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành CPH 137 doanh nghiệp, vượt gần 100% so với kế hoạch giao. Bộ GTVT cũng là đơn vị tiên phong tái cơ cấu, CPH các đơn vị sự nghiệp công lập, đánh dấu bằng sự kiện IPO và CPH thành công Bệnh viện GTVT Trung ương. Không dừng lại ở số lượng và tiến độ, chất lượng và hiệu quả các doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu, CPH cũng được đánh giá cao. Hầu hết các doanh nghiệp sau khi CPH đều duy trì được mức tăng trưởng cao về cả doanh thu và thu nhập người lao động.

8. co phan hoa

9. Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT với nhiều hoạt động ý nghĩa

Đây là dịp nhằm khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào về lịch sử 70 năm "Đi trước mở đường" và tạo động lực thi đua sôi nổi trong toàn Ngành. Hoạt động kỷ niệm được tổ chức với nhiều hình thức như: Tuyên truyền bằng pano, áp phích, biểu ngữ, thi đua thực hiện tốt các công trình, dự án, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn xuất sắc, tổ chức nhiều hoạt động văn - thể - mỹ ý nghĩa và phát động các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động toàn Ngành. Toàn Ngành đã vận động, quyên góp được trên 150 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 428 nhà tình nghĩa, 43 nhà mái ấm công đoàn, hỗ trợ trên 4.100 cựu TNXP và CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tặng gần 4.000 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP. Các phong trào thi đua trong toàn Ngành được phát huy, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, lựa chọn các tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc để tôn vinh, nhân rộng.

10. Bộ GTVT đi đầu trong quy hoạch báo chí

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT là Bộ đi đầu trong công tác quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại các cơ quan báo chí trong Ngành theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương. Đến nay, Bộ GTVT chỉ còn 1 báo và 1 tạp chí. Việc sắp xếp lại các báo, tạp chí của Ngành vừa tiết kiệm được chi phí, vừa hội tụ nguồn lực để cơ quan truyền thông của Bộ phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, nâng cao được chất lượng truyền thông của Ngành.

Ý kiến của bạn

Bình luận