100.000 trẻ sơ sinh thiệt mạng mỗi năm vì chiến tranh

Tác giả: vnexpress

saosaosaosaosao
Xã hội 17/02/2019 07:11

Save the Children cho hay số trẻ tử vong vì xung đột vũ trang và các hệ lụy của chúng tăng với tỷ lệ đáng báo động trên thế giới.

 

2790-1746-1550193325
Một em bé Yemen điều trị trong viện hồi tháng 1/2018 vì suy dinh dưỡng. Ảnh: AFP. 


Save the Children, tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trên 120 quốc gia,  hôm 15/2 cho hay ít nhất 100.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm do các cuộc xung đột vũ trang. Trong số 10 quốc gia thiệt hại nặng nề nhất, ước tính khoảng 550.000 trẻ sơ sinh đã chết vì chiến tranh từ năm 2013 tới 2017, theo AFP.

Các em tử vong vì chiến tranh và những hậu quả của nó như nạn đói, bệnh viện và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, không được tiếp cận với hệ thống y tế và vệ sinh, không tiếp cận được với nguồn viện trợ. Các em còn đối mặt với nguy cơ bị giết hoặc bị tàn tật, bị các nhóm vũ trang chiêu mộ, bắt cóc hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục.

"Cứ một trong số 5 em hiện sống ở vùng bị xung đột ảnh hưởng, tỷ lệ cao nhất trong hai thập niên qua", Helle Thorning-Schmidt, CEO của tổ chức Save the Children, tuyên bố.

"Số trẻ bị sát hại hoặc bị tàn tật tăng gấp ba. Chúng tôi còn nhìn thấy sự gia tăng đáng báo động của việc sử dụng nguồn viện trợ như một thứ vũ khí chiến tranh", bà phát biểu trong lúc công bố báo cáo tại Hội nghị An ninh Munich.

Save the Children cho biết một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hòa Bình Oslo cho thấy có 420 triệu trẻ em đang sống trong khu vực bị xung đột trong năm 2017, chiếm 18% tổng số trẻ em toàn cầu và tăng 30 triệu em so với năm trước.

Những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất là Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Iraq, Mali, Nigeria, Somalia, Nam Sudan, Syria và Yemen. Tổng số trẻ chết vì ảnh hưởng gián tiếp trong vòng 5 năm nhảy vọt lên 870.000 em, nếu tính tất cả trẻ em dưới 5 tuổi.

Save the Children đưa ra các khuyến nghị về phương pháp bảo vệ trẻ em, như cam kết độ tuổi tuyển quân tối thiểu là 18, tránh sử dụng vũ khí sát thương cao trong khu vực đông dân cư.

"Thật sốc khi biết rằng trong thế kỷ 21, chúng ta đang đi ngược lại các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức cơ bản nhất, đó là không bao giờ nhắm mục tiêu vào trẻ em và dân thường", Thorning-Schmidt nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận