Vẻ vang con đường mang tên Bác
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, khoét núi bắc cầu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, những chiến sỹ – anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa đã mở con đường “máu”: Đường Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh chiến lược để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã trở thành tuyến vận tải chiến lược vĩ đại như một huyền thoại, một kỳ tích của Việt Nam trong thế kỷ 20, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT nghiên cứu quy hoạch để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai (sau QL 1A) ở phía Tây Tổ quốc với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc Nam. Ngày 01/4/1997, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 195/TTg thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc Nam. Ban chỉ đạo đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trải qua quá trình nghiên cứu, hoạch định và xây dựng đề án, đến đầu năm 1999, công trình Xa lộ Bắc Nam đã được Đảng và Chính phủ chính thức đổi tên thành Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ngày 11/8/1999, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 1999/1999/QĐ-BGTVT thành lập Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh.
Có thể nói cho đến thời điểm hiện nay, chưa có một dự án đường giao thông nào trên cả nước có quy mô lớn cả về thời gian và chiều dài, lại đi qua nhiều tỉnh, thành phố và nhiều vùng miền có địa hình vô cùng phức tạp như Dự án đường Hồ Chí Minh. Thật vinh dự và tự hào đối với tập thể cán bộ, viên chức của Ban khi được giao nhiệm vụ quản lý và triển khai xây dựng một công trình vừa mang tầm vóc Quốc gia, vừa mang ý nghĩa thời đại như Dự án đường Hồ Chí Minh.
15 năm xây dựng và trưởng thành, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã lớn mạnh về tổ chức, vững vàng về năng lực, là một địa chỉ tin cậy đối với các đối tác và có vị thế trong ngành GTVT. 15 năm với những điều kiện thuận lợi song cũng không ít chông gai, thử thách. Mỗi lớp cán bộ, công nhân viên của Ban đều ý thức trách nhiệm lớn lao khi mỗi công việc đều gắn với truyền thống hào hùng, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước thực hiện nhiệm vụ chính trị vẻ vang mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Với địa hình phức tạp từ điểm đầu Pác Bó – Cao Bằng đến điểm cuối Đất Mũi – Cà Mau, đặc biệt với điều kiện thi công gặp nhiều khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ban đã tiến hành nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt để đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT lập và trình duyệt bổ sung các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ để nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL 14) đoạn qua khu vực Tây Nguyên, cũng như khẩn trương hoàn tất việc chuyển đổi 2 dự án từ hình thức đầu tư BOT sang hình thức trái phiếu Chính phủ. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, song bằng sự nỗ lực, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, giai đoạn 2 của Dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng một số đoạn tuyến tại Cao Bằng, Phú Thọ, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Cà Mau; đã khởi công 2 dự án thành phần bổ sung bằng trái phiếu Chính phủ để nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL 14) đoạn qua khu vực Tây Nguyên và chuyển đổi 2 dự án thành phần đầu tư bằng hình thức BOT sang trái phiếu Chính phủ thuộc tỉnh Bình Phước.
Thực hiện mục tiêu nối thông đường Hồ Chí Minh 2 làn xe theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, do điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước không đáp ứng được yêu cầu nên Ban đã chủ động đề xuất và được Chính phủ, Bộ GTVT cho phép huy động các nguồn vốn khác để đầu tư theo các hình thức BOT, BT, nhằm giảm gánh nặng cho nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đã đạt được những kết quả rõ rệt. Đến nay, Ban đã triển khai được 4 dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có chiều dài khoảng 160km; 1 Dự án BT đoạn La Sơn – Túy Loan có chiều dài 103 km và hiện đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ triển khai tiếp dự án BT đoạn Cam Lộ – La Sơn có chiều dài khoảng 80km; chuyển đổi hình thức đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phần khối lượng dở dang còn lại sang đầu tư BOT thuộc các dự án: Cầu Ngọc Tháp (Phú Thọ) và dự án Chơn Thành – Đức Hòa (Long An) với tổng chiều dài khoảng 90km.
Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ thông 2 làn xe Dự án đường Hồ Chí Minh, trên cơ sở tổng số nguồn vốn Quốc hội đã thông qua cho dự án đường Hồ Chí Minh đến năm 2016, Ban đã chủ động báo cáo Bộ GTVT đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách với mục đích tiết kiệm để đầu tư các đoạn đường Hồ Chí Minh đã có trong danh mục nhưng chưa được bố trí vốn như: Đoạn nối Quốc lộ 3 (Chợ mới- Bắc Kạn) với Quốc lộ 2 (Tuyên Quang) đi qua nhiều vùng miền di tích lịch sử, cách mạng (Khu ATK, Cây đa Tân Trào, Bến Bình Ca…). Việc làm này có ý nghĩa trực tiếp thúc đẩy tiến độ hoàn thành toàn tuyến đường Hồ Chí Minh sớm hơn khoảng 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội (Theo Nghị quyết Quốc hội, các dự án trên sẽ được khởi công năm 2016 và hoàn thành năm 2018). Đây là mục tiêu mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang hướng tới.
Phát huy truyền thống, tạo sức bật trong tương lai
Cùng với các đơn vị của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang ở trong giai đoạn “thử lửa” để bứt phá từ nội lực mà đứng đầu phải là người thuyền trưởng bản lĩnh. Sức trẻ, nhiệt huyết, khát khao là những điều mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang có. Không khó để nhận ra một Ban QLDA với những cách nghĩ, cánh làm mới, thể hiện sự tự tin, năng động và sáng tạo.
Trong bối cảnh các nguồn vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Ban đã xốc lại đội hình, cơ cấu tổ chức, kiên quyết thanh lọc lọc những biểu hiện tiêu cực, động viên khích lệ cán bộ công nhân viên đoàn kết, phát huy năng lực chuyên môn, chung tay xây dựng Ban ngày càng phát triển hơn, vững mạnh hơn.
Để triển khai hoạt động có hiệu quả, Ban đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội quy, quy chế, quy định và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý dự án; kiện toàn lại bộ máy tổ chức một cách tinh gọn, khoa học, xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận nghiệp vụ, giảm bớt khâu trung gian, kém hiệu quả…
Sự quyết liệt và sức “nóng” được lan tỏa và trở thành sức mạnh trong hành động từ đồng chí Tổng giám đốc đến mỗi cán bộ, công nhân viên của Ban. Sức ép công việc, trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ và Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT, trước sự an toàn của tuyến đường Hồ Chí Minh, trước sinh mệnh của 180 người lao động, Tổng Giám đốc Lâm Văn Hoàng đã quán triệt sâu sắc và “truyền lửa” tới các phòng, ban và cán bộ, công nhân viên ý chí, tinh thần và sự quyết tâm cao độ để thực hiện thành công nhiệm vụ nối thông 2 làn xe đường Hồ Chí Minh từ điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau) như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Tổng Giám đốc Lâm Văn Hoàng luôn tâm niệm: “Khó hay dễ là ở con người, thành hay bại phụ thuộc vào việc nắm bắt thời cơ, nhưng thời cơ không phải cứ ngồi đó mà chờ đợi”. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu trên cương vị lãnh đạo Ban, Tổng Giám đốc Lâm Văn Hoàng đã chủ động đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận cho Ban làm nhiệm vụ tư vấn QLDA và tư vấn giám sát, trước mắt là thực hiện dự án La Sơn – Túy Loan. Trong tương lai, ngoài nhiệm vụ QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban sẽ triển khai hoạt động tư vấn QLDA, tư vấn giám sát đối với các dự án khác. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và toàn thể người lao động của Ban phải luôn phấn đấu, rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy có hiệu quả truyền thống của một đơn vị được mang tên Bác Hồ kính yêu.
Việt Cường
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.