Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã hoan nghênh thỏa thuận khí hậu mới được gần 200 quốc gia trên thế giới cam kết thực hiện tại MOP 28 (cuộc họp giữa các bên tham gia Nghị định thư Montreal) nhằm cắt giảm khí nhà kính từ tủ lạnh, điều hòa, qua đó cố gắng ngăn chặn tối đa mức tăng 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Sau suốt 4 ngày (10-14/10) dày đặc các phiên nghị trình căng thẳng của MOP 28 (Cuộc họp giữa các bên tham gia Nghị định thư Montreal) ở thủ đô Kigali, Cộng hòa Rwanda, gần 200 đại diện của các nước trên thế giới đã thông qua thỏa thuận sửa đổi Nghị định thư Montreal (1987) về việc cấm HFC, loại chất thay thế CFC gây hủy hoại tầng Ozon (có chức năng bảo vệ con người khỏi tác hại của tia cực tím).
Theo UN New Centre, Nghị định thư Montreal đã mang tới một bước tiến lớn cho nhân loại nhưng cũng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
"Thông qua việc điều chỉnh và thay đổi HFC (hydrofluorocarbons), chúng ta có thể nhận được lợi ích trong nhiều thập kỷ tới cũng như giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)", Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết.
Bày tỏ cảm xúc sau quyết định sửa đổi Nghị định thư Montreal được thông qua, rất nhiều đoàn đại biểu đã không giấu nổi sự vui mừng.
"Đó là một khoảnh khắc lịch sử, và chúng tôi đều rất vui mừng vì chúng ta có thể đạt được một sự đồng thuận và đồng ý giải quyết mọi vấn đề trên bàn đàm phán", Trưởng đoàn đại biểu Ấn Độ, ông Ajay Narayan Jha nói.
Taha Mohamed Zatari, trưởng đoàn đại biểu Ả-Rập Xê-Út cho biết: "Cảm ơn Chúa, chúng con đã hoàn thành được bản thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi quốc gia, nhưng nó nên được cân nhắc cho từng khu vực và quốc gia".
Kể từ khi Nghị định thư Montreal đi vào cuộc sống, tất cả các nước tham gia Nghị định đã bắt buộc ngừng sử dụng CFC trong ngành công nghiệp điện lạnh và chuyển sang sử dụng chất HFC.
Mặc dù việc loại bỏ CFC là một bước đi tích cực để bảo vệ tầng Ozone nhưng thay vào đó, khi sử dụng HFC, con người vô tình khiến nhiệt độ Trái Đất gia tăng. HFC là một hợp chất có khả năng lưu trữ nhiệt gấp hàng ngàn lần so với CO2. Chính vì vậy, HFC cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng lượng khí thải nhà kính, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi có nhu cầu cao về điều hòa như Trung Quốc và Ấn Độ.
Như Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, John Kerry từng có bài phát biểu hồi năm ngoài về HFC. Ông cho biết, HFC không nhiều như CO2 nhưng hiện nay, chúng đang được xả ra bầu khí quyển ngang bằng với lượng khí nhà kính của 300 nhà máy điện than phát thải mỗi năm.
Thực tế, nhu cầu điều hòa không khí tại các nền kinh tế mới nổi đã thúc đẩy khí HFC tăng nhanh từ 10-15%/năm. Trước đó, nhiều nhà khoa học thông qua Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã lên tiếng cảnh báo rất nhiều lần về sự nguy hiểm tiềm tàng của khí HFC.
Quy mô tăng lên không ngừng của HFC đã buộc các nước phải cùng nhau ngồi lại và bàn biện pháp đối phó. Trong suốt một năm đàm phán, tất cả các quốc gia đã đi đến quyết định sửa đổi Nghị định thư Montreal nhằm hạn chế và dần đi tới cấm hoàn toàn chất HFC trong ngành công nghiệp sản xuất điện lạnh.
Bản sửa đổi và công bố kết quả đã được đích thân Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường của Rwanda phát biểu vào rạng sáng ngày 15/10. Mặc dù đã thấm mệt nhưng tất cả hội trường đều dành những tiếng vỗ tay rầm rộ nhất hoan nghênh một bước tiến lớn của nhân loại đã được thông qua.
Trong bản sửa đổi có đề cập, thời điểm bắt đầu cắt giảm HFC sẽ được khởi động từ năm 2019. Các quốc gia đang phát triển sẽ phải cấm hoàn toàn HFC vào năm 2024, riêng một số nước như Ấn Độ, Iran, Iraq, Pakistan sẽ được ưu tiên kéo dài tới năm 2028 do nhiều nguyên nhân khách quan, bao gồm tầng lớp trung lưu gia tăng và điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Vào cuối năm 2040, tất cả các quốc gia dự kiến sẽ không được phép tiêu thụ nhiều hơn 15-20% lượng HFC. Các nước châu Âu và Mỹ cũng cam kết giảm dần việc sử dụng HFC theo một lộ trình dài hơi, bắt đầu cắt giảm 10% vào năm 2019 và đến năm 2036 là 85%.
Về phía Trung Quốc, nước đứng đầu về mức độ ô nhiễm và phát thải khí CO2 cho biết, sẽ tham gia thực hiện bản sửa đổi vào năm 2024 khi mức tiêu thụ HFC đạt đỉnh điểm.
Theo ước tính của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), thỏa thuận mới nhất này sẽ góp phần cắt giảm lượng HFC trên toàn cầu tới 80-85% trước năm 2047.
Cũng theo bản sửa đổi, một số quốc gia đã cam kết cung cấp nguồn tài chính đầy đủ cho việc cắt giảm HFC, chi phí ước tính có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD trên quy mô toàn cầu. Số tiền tài trợ chính xác sẽ được thông qua tại cuộc họp tiếp theo giữa các bên liên quan tại Montreal vào năm 2017. Trước hết, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển các hợp chất thay thế HFC sẽ là ưu tiên khẩn cấp hàng đầu.
Một số chất thay thế HFC không gây hủy hoại tầng Ozone và có ít tác động tới khí hậu được chỉ ra gồm có Amoniac hoặc CO2. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học cũng đang tập trung nghiên cứu công nghệ làm mát hiệu quả, tốn ít chi phí và thân thiện với môi trường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.