23 thực tập sinh hộ lý do phía Việt Nam đào tạo, đủ điều kiện sang Nhật Bản làm việc trong ngành điều dưỡng. |
Ngày 27.9, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tốt nghiệp và xuất cảnh của 23 học viên khóa I - chương trình thực tập sinh hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản.
Đây là những học viên đầu tiên sang Nhật Bản làm việc kể từ khi Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thí điểm cấp phép cho các đơn vị trong nước triển khai đưa thực tập sinh hộ lý sang thực tập tại Nhật.
Tại buổi lễ, ông Phạm Đức Vượng – Phó Tổng Giám đốc Cty Hoàng Long CMS - cho biết, 23 học viên tốt nghiệp và xuất cảnh hôm nay là những nhân sự đầu tiên hoàn toàn do phía Việt Nam đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của phía nước bạn.
Những học viên này đã được tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng nghề hộ lý, chăm sóc người già và văn hóa, lối sống của Nhật Bản, các quy định pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản.
Theo yêu cầu của Nhật Bản, thực tập sinh hộ lý khi nhập cảnh vào Nhật Bản cần đạt trình độ tiếng Nhật N4, sau 1 năm cần đạt trình độ N3. Tuy nhiên, ngay khóa đầu tiên xuất cảnh đi Nhật, trong số 23 học viên có tới 16 em đạt trình độ N3 mà phía Nhật Bản yêu cầu.
Được biết mức lương cơ bản của các thực tập sinh hộ lý người Việt Nam khi làm việc tại Nhật Bản là từ 23 triệu đồng đến 31 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền nhà...). Khoản tiền lương này cũng chưa tính tiền làm thêm.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), Nhật Bản đang có nhu cầu tương đối lớn về hộ lý, điều dưỡng. Chính vì thế khi hai bên đã có khung pháp lý, để tạo cơ hội cho nhiều ứng viên của Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý có cơ hội thực tập và làm việc tại Nhật Bản.
Ngày 1.6.2018, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản 1221 về việc thí điểm việc triển khai thực tập sinh kỹ năng hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản. Trong đó, cục cho phép 6 đơn vị được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh hộ lý sang thực tập tại Nhật Bản.
Cuối tháng 7.2018, báo chí Nhật Bản đưa tin, Chính phủ nước này đã nhất trí mời 10.000 điều dưỡng viên của Việt Nam từ nay đến năm 2020 sang làm việc, nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng của ngành điều dưỡng nước này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.