Việt Nam có nhiều cái tên xuất hiện trong Hồ sơ Paradise. |
Xuất hiện từ đầu tháng, Hồ sơ Paradise (Paradise Papers) chứa số tài liệu khổng lồ về hoạt động tài chính tại nước ngoài của các chính trị gia, công ty đa quốc gia, ngưởi nổi tiếng và người giàu trên khắp thế giới. Họ được cho là đã sử dụng các mạng lưới phức tạp để né thuế.
Hồ sơ Paradise cũng liệt kê 13 thực thể nước ngoài, 25 cá nhân và 20 địa chỉ liên quan đến Việt Nam. Trong đó có nhiều cái tên nổi tiếng, như ông Don Di Lam – Giám đốc điều hành của Tập đoàn VinaCapital, ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital và ông Louis T. Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư Saigon Asset Management...
Trao đổi với báo chí, đại diện VinaCapital cho rằng: "Việc lãnh đạo tập đoàn VinaCapital có tên trong Hồ sơ Paradise không nói lên điều gì cụ thể". Tập đoàn này khẳng định mình "sử dụng dịch vụ của nhiều hãng luật khác nhau trong quá trình thành lập các pháp nhân", cũng như hầu hết các nhà quản lý đầu tư quốc tế khác, và cam kết tuân thủ pháp luật trên toàn thế giới.
VinaCapital cũng dẫn thông báo miễn trừ trách nhiệm của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho biết: "Chúng tôi không cho rằng hoặc ám chỉ rằng có cá nhân, doanh nghiệp hay pháp nhân nào trong Cơ sở dữ liệu này đã vi phạm luật pháp hoặc hành động sai trái".
Tương tự, dù không đưa ra bình luận về việc có tên trong hồ sơ Paradise nhưng đại diện Dragon Capital khẳng định: "Dragon Capital hoạt động ở bất cứ đâu đều tuân theo luật pháp của nước sở tại và tham gia đóng thuế đầy đủ".
Nhiều cái tên nổi tiếng xuất hiện trong hồ sơ này, trong đó có Apple, Nữ hoàng Anh – Elizabeth II, nhà vô địch giải đua Công thức 1 – Lewis Hamilton, công ty đầu tư cổ phần tư nhân Blackstone, hay thậm chí quan chức thân cận của Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Thủ tướng Canada – Justin Trudeau.
Cũng như vụ rò rỉ Hồ sơ Panama năm ngoái, số tài liệu trong Hồ sơ Paradise được thu thập bởi tờ báo Đức - Süddeutsche Zeitung. ICIJ giám sát việc điều tra - thực hiện bởi gần 100 tổ chức truyền thông tại 67 quốc gia, trong đó có New York Times và Guardian.
Quy mô của Hồ sơ Paradise không lớn như Hồ sơ Panama, nhưng nó cũng là vụ rò rỉ tài liệu tài chính lớn thứ 5 trên thế giới trong 4 năm gần đây. Tổng cộng, Süddeutsche Zeitung nắm trong tay hơn 1.400 GB dữ liệu, chứa gần 13,4 triệu tài liệu.
Trong đó, 6,8 triệu tài liệu đến từ hãng cung cấp dịch vụ pháp lý tại nước ngoài – Appleby và hãng cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp – Estera. Cả hai trước đó cùng thuộc Appleby cho đến khi Estera tách riêng năm ngoái và là tâm điểm của vụ rò rỉ lần này.
6 triệu tài liệu khác đến từ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của các chính quyền, chủ yếu tại vùng Caribbean. Một lượng nhỏ tài liệu đến từ Asiacity Trust – một công ty cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và ủy thác quốc tế tại Singapore. Toàn bộ tài liệu trong Hồ sơ Paradise theo dõi giai đoạn 1950 – 2016.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.