3 công trình giao thông nghìn tỷ vừa được TP.HCM trình Thủ tướng

Thị trường 13/12/2016 06:40

Đó là cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ và đường song hành quốc lộ 50.

 

3 công trình giao thông nghìn tỷ vừa đượ
Phối cảnh cầu Cát Lái

UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã phê duyệt gồm xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái, cầu thay thế bến phà Bình Khánh và bổ sung tuyến đường mới kết nối tỉnh Long An, song song Quốc lộ 50 vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Trước đây dự án cầu Cát Lái không được đưa vào quy hoạch hệ thống giao thông của TP.HCM vì khi đó đã có dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cách phà Cát Lái khoảng 3km.

Ngoài ra, tại khu vực cảng Cát Lái có tàu chở hàng container lớn cập cảng nên nếu xây cầu có độ thông thuyền không đủ lớn dẫn đến tàu bị mắc kẹt.

Tuy nhiên theo đánh của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay nhu cầu giao thông và lưu lượng các phương tiện qua phà Cát Lái ngày càng tăng cao. Cầu Cát Lái được xây dựng sẽ tạo sự thông thoáng cho luồng xe container ra vào cảng Cát Lái, giảm ùn tắc giao thông ở phà Cát Lái vào mỗi dịp lễ, tết vì những ngày này lượng xe qua phà đạt đến 90.000 xe/ngày.

Cầu Cát Lái (nối TP.HCM với Đồng Nai) sẽ là cầu dây văng có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4km (riêng cầu khoảng 3,4km) tối thiểu 4 làn xe, cầu có tĩnh không 55 mét. Điểm bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (Q.2, TP.HCM) và điểm cuối sẽ kết nối vào đường Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2km. Vận tốc thiết kế 80km/h với 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.700 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư); chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.225 tỉ đồng.

Theo Sở GTVT TP.HCM việc xây cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh sẽ kết nối trung tâm TP với Cần Giờ, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực, đáp ứng nhu cầu giao thông và tạo sự sự phát triển kinh tế cho địa phương.

Tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 5,8km, với vận tốc thiết kế 60km/giờ bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Điểm đầu cây cầu sẽ ở tại giao lộ đường Huỳnh Tấn Phát - đường kho C, cách giao lộ với đường Nguyễn Bình khoảng 800m về phía Bắc, điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,5km về phía Nam.

Về việc xây dựng đường song song với quốc lộ 50, Sở GTVT TP.HCM cho biết, giao thông trên quốc lộ 50 hiện hữu đang quá tải do lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Long An, Tiền Giang đi TP.HCM tăng quá nhanh.

Bên cạnh đó, việc mở rộng quốc lộ 50 theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Sở GTVT cho rằng xây dựng mới đường song song quốc lộ 50 là cần thiết và sẽ tăng cường năng lực giao thông giữa các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổng chiều dài đường song hành quốc lộ 50 khoảng 8,6km, được thiết kế cho 6 làn xe lưu thông với vận tốc 80km/h.

Điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800m), tại xã Phước Lộc, H.Nhà Bè, TP.HCM. Điểm cuối sẽ kết nối với quốc lộ 50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim , H.Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Theo Sở GTVT TP.HCM, các công trình trên sẽ được đầu tư bằng nhiều hình thức đối tác công tư PPP kết hợp ngân sách địa phương và dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận