3 nguyên tắc giúp học sinh tối ưu hóa việc đăng ký nguyện vọng ĐH

15/04/2018 06:42

Xếp nguyện vọng theo điểm chuẩn dự kiến từ cao đến thấp, tập trung vào 2-3 nhóm ngành liên quan... là những điều các em cần lưu ý.

1278969293-w500-2725-1523343372
Thầy Vũ Khắc Ngọc.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi phương án xét tuyển theo hướng cho phép các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Đây là điểm mới, thuận lợi cho các em nhưng nhiều bạn lại hiểu sai bản chất nên đăng ký xét tuyển nguyện vọng không thành công.

Thầy Vũ Khắc Ngọc - giảng viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn sẽ chia sẻ 3 nguyên tắc cơ bản để các bạn dễ dàng đăng ký nguyện vọng phù hợp với bản thân.

Sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn (dự kiến) từ cao đến thấp

Có bạn gửi thắc mắc như sau: "Em muốn học Y đa khoa nhưng khả năng chỉ đỗ Y Hải Phòng nên em định xếp Y đa khoa Hải Phòng làm nguyện vọng 1, Y Đa khoa Hà Nội làm nguyện vọng 2 có được không?"

Thầy Ngọc cho biết, nguyên tắc tuyển sinh của năm nay điểm thi là ưu tiên số một. Do vậy, dù mục tiêu của bạn chỉ là mức thấp thì khi đăng ký bạn vẫn phải xếp ngành có điểm cao lên trên.

Với tình huống trên, giả sử sau khi thi xong, Y Hải Phòng lấy 24 điểm, còn Y Hà Nội lấy 27 điểm mà đặt nguyện vọng như bạn đã nêu thì dù có được 29 điểm, bạn cũng chỉ có thể đỗ Y Hải Phòng (vì đã đỗ nguyện vọng 1 thì không được xét nguyện vọng 2).

Do đó, bạn nên xếp ngành có điểm cao lên làm nguyện vọng một để không bỏ sót các cơ hội.

Rải nguyện vọng cách đều điểm mục tiêu

Theo thầy Ngọc, các bạn hãy lấy mức điểm mục tiêu của mình là điểm chuẩn rồi rải nguyện vọng ra xung quanh với mức điểm thêm hoặc bớt từ 0,5 đến một điểm.

Ví dụ nếu bạn dự tính điểm của mình có thể đạt được là 24, bạn rải nguyện vọng theo thứ tự: nguyện vọng một là 26,5 điểm, nguyện vọng 2 là 26 điểm, nguyện vọng 3 là 25,5 điểm. Khoảng cách như vậy đủ để "cầu may", cũng đủ để phòng trừ rủi ro cho các bạn.

Một lưu ý lớn là sau khi thi xong, các bạn vẫn có quyền thay đổi các nguyện vọng, kể cả thêm mguyện vọng.

Chỉ tập trung các nguyện vọng vào 2-3 nhóm ngành có liên quan

Để làm được điều này, trước hết các em cần đánh giá đúng năng lực của bản thân, xem mình phù hợp với ngành nào nhất.

Thứ hai, các em cần vạch ra cho mình 2-3 nhóm ngành có liên quan để đăng ký nguyện vọng. Lý giải về điều này, thầy Ngọc cho biết: mỗi ngành học thường chỉ có một vài trường dẫn đầu, bởi vậy khi chọn một ngành, bạn nên chọn đúng trường chuyên và có tiếng về ngành đó.

Ví như về Công nghệ thông tin, bạn có thể chọn ĐH Bách Khoa, ĐH Công nghệ ĐH Quốc Gia; về Kiểm toán - Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, bạn nên ưu tiên Quản trị kinh doanh, Ngoại thương, Học viện Tài chính...

Tuy vậy, điểm xét tuyển của những trường top thường khá cao, do đó, bạn cần có thêm phương án 2, phương án 3. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là Y, hãy thêm phương án 2 là Công nghệ sinh học, Thực phẩm, Môi trường và có thể chọn Bách Khoa, Khoa học tự nhiên, Nông nghiệp...

Giải thích về lý do nên chọn một nhóm ngành, thầy Ngọc cho biết, thực tế hiểu biết của mỗi người về từng ngành học cụ thể khá hạn hẹp, do đó, không nên bó buộc vào một ngành cụ thể mà hướng về một nhóm ngành gần gũi nhau. Ví dụ, các bạn thích Y thì Đa khoa - Răng (thậm chí Y Cổ truyền) có thể đặt chung một nhóm; các bạn chọn Công nghệ thông tin thì có thể thêm Tự động hóa, Điện tử - Viễn thông; các bạn chọn Kế toán - Kiểm toán thì có thể thêm Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm; các bạn chọn Công nghệ sinh học thì có thể chọn Thực phẩm - Môi trường… Như vậy, các bạn dễ hình dung được công việc mà mình sẽ gắn bó trong tương lai và định hướng chúng một cách tốt hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận