Trước ngày 01/7/2021, xe ô tô khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông (Ảnh PLO.VN) |
Cần thí điểm lắp đặt camera trên xe chở khách trên 9 chỗ
Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định trước ngày 01/7/2021, xe ô tô khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông. Trao đổi về quy định này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, hiệp hội đã tham gia góp ý nhiều lần trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định 10 và Thông tư 12 với những nội dung quan trọng như phân định rõ xe hợp đồng với xe taxi, định nghĩa rõ về kinh doanh vận tải và xác định rõ người chịu trách nhiệm duy trì kinh doanh vận tải và về vấn đề lắp camera trên phương tiện. Tuy nhiên, về các nội dung xung quanh quy định về lắp đặt camera trong Nghị định thì Hiệp hội chưa nhất trí hoàn toàn.
“Chúng tôi đề nghị với cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức thí điểm gắn camera trên xe để làm rõ mục đích ý nghĩa, tác dụng của việc này ra sao mới triển khai trên diện rộng và đánh giá hiệu quả khi gắn camera trên xe”, ông Quyền trao đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, đây là vấn đề quan trọng bởi lẽ việc gắn camera như vậy cũng phải đánh giá tác động liên quan về chi phí. Tính sơ bộ có khoảng 200 nghìn xe trên 9 chỗ, lắp 2 camera mỗi xe thì mất khoảng 5 triệu/1 xe, chi phí ban đầu sẽ mất khoảng 1.000 tỷ, ngoài ra doanh nghiệp vận tải cũng phải chịu thêm chi phí truyền dữ liệu. Đồng thời, ông Quyền cũng đưa ra vấn đề cần phải làm rõ về loại camera lắp đặt, là loại camera phổ biến hiện đang có trên thị trường hay là loại camera đặc chủng sử dụng cho mục đích này. Nếu có camera đặc chủng thì bản thân camera có xác định được loại nội dung nào là nội dung vi phạm và chỉ truyền hình ảnh ghi nhận về vi phạm trên xe, không cần thiết phải truyền toàn bộ hình ảnh về doanh nghiệp vận tải, sau đó từ doanh nghiệp mới truyền về Tổng cục ĐBVN. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng đưa ra phương án truyền trực tiếp dữ liệu từ camera về Tổng cục ĐBVN, các doanh nghiệp không cần thuê dịch vụ này mà chỉ khai thác dữ liệu trên Tổng cục để giảm bớt chi phí.
Tán đồng ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ông Phan Bá Mạnh – CEO Công ty Công nghệ Vận tải An Vui cho biết, cần làm rõ vấn đề trong nhu cầu về quản lý nhà nước cần lắp đặt với mục đích gì và cần thí điểm.
"Tôi thấy hạ tầng công nghệ thông tin để tiếp nhận luồng thông tin từ các doanh nghiệp gửi về sẽ vô cùng lớn và cần một nguồn kinh phí khổng lồ, nguồn kinh phí này sẽ không chỉ dừng lại ở phần đầu tư một phần mà nó sẽ liên tục tiếp nối. Việc truyền tải thông tin dữ liệu mà không biết tận dụng phân tích thì thông tin dữ liệu đó cũng sẽ trở thành rác trong tương lai. Chúng ta sẽ phải bỏ tiền ra chuyển tải, lưu trữ một lượng dữ liệu thông tin mà không có giá trị gì do đó cần phải đánh giá, thí điểm xem hiệu quả của việc truyền dữ liệu như thế nào”, CEO Mạnh nói.
Ngoài ra, CEO Phan Bá Mạnh còn trao đổi hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống và các doanh nghiệp vận tải công nghệ bình đẳng với nhau trước pháp luật, nên khi đưa ra khái niệm “xe dù, bến cóc” cũng cần phải hiểu rõ là bao gồm cả xe chạy tuyến cố định. Bởi lẽ hiện nay khi nhắc tới “xe dù, bến cóc” là đương nhiên ám chỉ xe hợp đồng trong khi xe chạy tuyến cố định bỏ tuyến, chạy đường khác đón trả khách cũng là “xe dù, bến cóc”.
Thanh tra Sở GTVT đi kiểm tra xe khách (Ảnh Đinh Mười) |
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính
Bên cạnh vấn đề xoay quanh việc lắp đặt camera trên phương tiện vận tải, hiện nay theo Nghị định quy định chỉ cấp 1 loại phù hiệu. Điều này theo Hiệp hội vận tải cũng có nghĩa những xe kinh doanh tuyến cố định không được kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng.
“Xe nào nhàn thì cũng chỉ nằm trong bãi, còn khách có nhu cầu ký hợp đồng thì cũng phải đi tìm đơn vị chỉ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, như vậy rất lãng phí, không tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh bám sát thị trường. Người kinh doanh có quyền bám sát thị trường, tiếp cận, nghiên cứu thị trường, ở đâu có nhu cầu thì người kinh doanh có quyền cung cấp dịch vụ, cũng không nên gò ép quá các đơn vị kinh doanh”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng tình về vấn đề này, ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà (tỉnh Thái Bình) cho biết, doanh nghiệp vận tải cố định có thể chạy 1 ngày 40-50 chuyến trên 1 tuyến thì đương nhiên chúng tôi phải bố trí một số lượng xe nhất định để tăng cường khi xe hỏng hay vào ngày lễ, ngày tết, ngày cuối tuần.
“Khi gặp sự cố hay đông khách thì tăng cường xe nhưng những ngày thường không tăng cường thì xe để không trong khi đó chúng ta có thể sử dụng xe đó chạy hợp đồng, rất linh hoạt. Chúng tôi kiến nghị cũng phải tính toán việc cấp phù hiệu như thế nào cho hợp lý chứ không sẽ lãng phí 1 nguồn lực rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Lưu Huy Hà cho biết.
Còn đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội nêu vấn đề Nghị định 10 quy định rất rõ xe hoạt động có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì xin cấp phép tại địa phương đó nhưng theo tôi được biết hiện nay trên địa bàn Hà Nội có đến hàng nghìn taxi ở các địa phương vẫn chạy.
“Hà Nội cấp phép 15 nghìn phù hiệu xe taxi nhưng thực tế số lượng taxi chạy lên đến 40 nghìn xe, con số 40 nghìn này thì ai kiểm soát, khi đã ban hành quy định thì cần yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, ai không thực hiện bị xử lý theo chế tài, các cơ quan chức năng cần xử lý cương quyết, phải bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chính thống”, vị đại diện này khẳng định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.