Ảnh minh họa |
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo Bộ Tư pháp, đây lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã được bổ sung vào Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự với 33 tội. Trong đó 22 tội thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế, 9 tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường và hai tội danh thuộc các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Ba hình phạt chính dành cho pháp nhân phạm tội: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Ba hình phạt bổ sung gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.
Bốn biện pháp tư pháp áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Dưới đây là 19 trong số 33 tội.
Điều 188: Buôn lậu
Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá 200-300 triệu đồng; hàng hóa trị giá dưới 200 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá 100-200 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì phạm tội buôn lậu.
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tiền từ 300 triệu đến một tỷ đồng; Hình phạt cao nhất dành cho pháp nhân thương mại phạm tội này là 15 tỷ, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Cá nhân phạm tội này bị phạt tối thiểu 50 triệu, tối đa 20 năm tù.
Điều 193: Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tiền 1-18 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động từ có thời hạn tới vĩnh viễn.
Một số tình tiết tăng nặng để căn cứ mức phạt gồm: có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 500 triệu trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; làm chết người; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng.
Cá nhân phạm tội này bị phạt từ hai năm đến tù chung thân.
Điều 194: Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt thấp nhất một tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn, cao nhất là mức phạt 20 tỷ, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, hình phạt bổ sung còn có cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn 1-3 năm.
Một số các tình tiết tăng nặng để căn cứ xử phạt: có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500 triệu trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; làm chết người, thu lời bất chính trên hai tỷ, gây thiệt hại về tài sản trên 1,5 tỷ đồng…
Cá nhân phạm tội này chịu hình phạt thấp nhất là hai năm tù, cao nhất là án tử hình.
Điều 195: Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tối thiểu một tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn, còn mức cao nhất là phạt 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Các tình tiết tăng nặng để căn cứ xử phạt: có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500 triệu trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; gây thiệt hại về tài sản trên ba tỷ đồng, thu lời bất chính hai tỷ trở lên.
Cá nhân phạm tội này phải đối mặt với mức án 1-15 năm tù.
Điều 192: Sản xuất, buôn bán hàng giả
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt 1-9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn 1-3 năm.
Các tình tiết tăng nặng để căn cứ xử phạt: có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, làm chết người, hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu trở lên, hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500 triệu trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lời bất chính trên 500 triệu, gây thiệt hại 1,5 tỷ trở lên.
Cá nhân phạm tội này phải nhận mức án 1-15 năm tù.
Điều 196: Đầu cơ
Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị khép vào tội Đầu cơ. Mức hình phạt dành cho người phạm tội này từ phạt tiền 30 triệu đồng tới phạt tù 15 năm.
Với pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng.
Hình phạt bổ sung gồm: phạt tiền 100-300 triệu, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.
Điều 200: Trốn thuế
Người thực hiện một trong các hành vi: không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn; sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;…bị coi là phạm tội trốn thuế.
Người phạm tội này bị phạt tiền 100 triệu đồng, phạt tù từ ba tháng đến bẩy năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội này: mức phạt tối thiểu là 300 triệu, tối đa là 10 tỷ, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.
Điều 216: Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ sáu tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp: trốn đóng bảo hiểm 50-300 triệu, trốn đóng bảo hiểm cho 10-50 lao động, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tối thiểu 50 triệu đồng, tối đa là bảy năm tù.
Pháp nhân thương mại phạm tội này có mức phạt thấp nhất 200-500 triệu đồng.
Nếu có các tình tiết tăng nặng: phạm tội hai lần trở lên, trốn đóng bảo hiểm trên 50 người, trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới ba tỷ.
Điều 189: Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
Người nào phạm tội này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200-300 triệu hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm bị phạt tối thiểu 200 triệu. Hình phạt cao nhất dành cho người phạm tội này là 10 năm tù.
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tối thiểu 200-500 triệu.
Mức phạt cao nhất của tội này dành cho pháp nhân thương mại là năm tỷ, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Các tình tiết tăng nặng tội: có tổ chức; vật phạm pháp là bảo vật quốc gia, phạm tội hai lần trở lên, tái phạm nguy hiểm.
Điều 190: Sản xuất, buôn bán hàng cấm
Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh, lưu hành, sử dụng, chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp: hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối; hàng phạm pháp khác trị giá 100-300 triệu;… bị coi là phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Mức phạt dành cho cá nhân phạm tội này là từ 100 triệu đến 15 năm tù.
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tiền 1-5 tỷ đồng.
Nếu phạm tội có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, hàng hóa phạm pháp trị giá trên 300 triệu, thu lời bất chính 200 triệu trở lên… có thể bị phạt tiền tới chín tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Điều 217: Vi phạm quy định về cạnh tranh
Người nào trực tiếp tham gia hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận; thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, nguồn cung dịch vụ...là phạm tội Vi phạm quy định về cạnh tranh.
Cá nhân phạm tội này đối diện với mức án phạt 200 triệu đồng tới năm năm tù.
Pháp nhân thương mại có hành vi nêu trên bị phạt 1-3 tỷ đồng.
Nếu phạm tội một trong các trường hợp: dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thị trường, gây thiệt hại cho người khác ba tỷ đồng trở lên... pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới năm tỷ đồng, đình chỉ hoạt động đến hai năm...
Điều 225: Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi: sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao ghi âm, ghi hình... xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50-300 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100-500 triệu thì phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Cá nhân phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ ba năm đến phạt tù năm năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt từ 300 triệu đến một tỷ đồng.
Nếu phạm tội hai lần trở lên, hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu trở lên có thể bị phạt tới ba tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến hai năm. Hình phạt bổ sung của tội này là cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1-3 năm.
7 tội còn lại gồm: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (điều 191), Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (điều 213), In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (điều 203), Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (điều 209), Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (điều 210), Thao túng thị trường chứng khoán (điều 211), Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (điều 226) đều có mức phạt với chủ thể phạm tội là pháp nhân.
Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. 2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Điều 75. Pháp nhân thương mại 1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. 3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 83. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân 1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. 2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.