39 người chết trong container: Cảnh báo việc thông tin trên mạng xã hội

Nhật ký cảnh sát 28/10/2019 07:37

Hiện, trên mạng xã hội xuất hiện việc gia đình có nhiều người mất tích, nghi liên quan đến vụ 39 người chết trong container ở Anh, đưa thông tin cầu cứu tràn lan. Tuy nhiên, chuyên gia hình sự đã có những cảnh báo.

 

container-15721646725791617045817.
Hiện trường phát hiện thi thể 39 người tử vong trong container ở Anh. Ảnh: Splashnews.

Liên quan đến 39 nạn nhân được tìm thấy trong thùng xe đông lạnh ở khu công nghiệp ở Essex, Anh vào ngày 23.10 vừa qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin về danh tính, nhân thân nạn nhân được cho là người Việt Nam. Họ cho rằng những người di cư Việt Nam hầu hết đến từ Can Lộc, Hà Tĩnh.

Nhiều gia đình không liên lạc được với người thân, ngoài việc gửi đơn trình báo, họ đưa thông tin, tên tuổi, đặc điểm nhận dạng lên mạng xã hội để cầu cứu...

Trước việc trên, Phó giáo sư - Tiến sĩ, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn (Chuyên gia tội phạm học) cho rằng, mạng xã hội có những mặt tích cực nhưng bên cạnh đó mặt tiêu cực quá lớn.

Ở góc độ cơ quan điều tra, việc người dân cung cấp thông tin là một nguồn rất tốt, giúp lực lượng chức năng có những thông tin lần theo các đầu mối, dấu vết những tài liệu để xử lý điều tra được tốt hơn. Tuy nhiên, đằng sau nó có một vấn đề còn nghiêm trọng hơn như làm nhiễu loạn thông tin và sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để sàng lọc.

Theo ông Thìn, việc đưa thông tin tràn lan trên mạng sẽ đánh động đối tượng phạm tội tìm các biện pháp, thủ đoạn để che giấu tội phạm, lẩn trốn và tấn công lại các cơ quan chức năng bằng nhiều cách (bạo lực). Bên cạnh đó, nó gây hoang mang rất lớn cho dư luận xã hội.

Theo đại tá Thìn, mạng xã hội hiện nay, nhiều người thiếu tỉnh táo, kiến thức, kỹ năng và hành xử bản năng nên họ chia sẻ, phát tán, bình luận tiêu cực và thậm chí là nhiễu loạn. Cho nên, việc đưa thông tin lên mạng xã hội, ngoài đánh động đối tượng gây khó khăn cho cơ quan điều tra còn làm hoang mang dư luận. Thậm chí có người lợi dụng những việc như vậy dùng vào các mục đích tiêu cực không trong sáng, vụ lợi khác.

"Chúng ta không triệt tiêu thông tin trên mạng xã hội vì không phải tất cả đều xấu nhưng hệ lụy của nó là quá lớn", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn nói và cho hay, cảnh sát nước sở tại cũng đã có cảnh báo.

Theo ông, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài lúc nào cũng bảo hộ công dân Việt Nam dù họ phạm tội hay không phạm tội. Trong quan hệ quốc tế về phòng chống tội phạm, quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ về lãnh sự, tất cả đều có trách nhiệm bảo hộ công dân nước mình. Bảo hộ công dân không phải là bảo hộ cái sai mà là bảo vệ các quyền nghĩa vụ công dân hợp pháp và chính đáng.

Liên quan đến cả thủ tục ngoại giao, bảo vệ an toàn cho đến cung cấp thông tin  giải quyết các vấn đề pháp lý, các trụ sở này đều công khai số điện thoại để cho người có liên quan, có trách nhiệm để thông báo thông tin. Như vậy vừa bảo đảm được an toàn thông tin, vừa cung cấp đầy đủ để những cơ quan có trách nhiệm giải quyết. "Lên mạng xã hội thì có ai giải quyết cho", ông Thìn nói.

Cái thứ hai, các cơ quan chức năng ở địa phương. Cư trú ở nơi nào thì có cơ quan quản lý ở địa phương đó. Chính quyền địa phương các cơ quan bảo vệ pháp luật .

Chúng ta ở địa phương nào thì cung cấp thông tin cho những cơ quan bảo vệ pháp luật nơi đó. Khi cung cấp, các đơn vị này sẽ xác định, đó là một nguồn thông tin, đôi khi nó là một nguồn tin báo tố giác tội phạm, đôi khi là nguồn thông tin để xác minh sự thật. Từ đó, họ có trách nhiệm điều tra, bảo vệ cho những quyền lợi hợp pháp và đúng pháp luật.

Vì vậy, chúng ta phải cung cấp cho những người có trách nhiệm ở địa phương như là chủ tịch xã, công an xã, công an phường, quận, huyện.

Theo Phó giáo sư Đỗ Cảnh Thìn, ngoài các đơn vị trên, còn có địa chỉ để cung cấp thông tin là cơ quan có chức năng về xuất khẩu lao động, nếu như những người này có liên quan đến xuất khẩu lao động. Nếu có liên quan thì phải nắm thông tin, cung cấp cho đơn vị có trách nhiệm đưa người đi nước ngoài.

Tuy nhiên, các thông tin đó phải đầy đủ, chính xác, toàn diện, an toàn giúp cho cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng có điều kiện để xử lý vụ việc đúng đắn, phù hợp luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó bảo đảm an toàn cho người thân của mình, không gây nhiễu loạn xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng (vụ lợi, gây phức tạp cho xã hội). Điều này không có lợi cho tất cả mọi người.

Cũng theo đại tá Đỗ Cảnh Thìn, mọi người nên cung cấp thông tin trung thực, chính xác đến các địa chỉ trên. Hiện có không ít người cung cấp thông tin thổi phồng nhằm che giấu sai trái, hoặc ngại ngần gì đó. Điều này sẽ làm mất rất nhiều thời gian và bất lợi cho chính nạn nhân, người thân.

Ý kiến của bạn

Bình luận