5 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học

11/01/2017 14:33

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, 5 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học bao gồm: Tổng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH; tiến hành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH, tăng cường các điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất; quản trị ĐH theo hướng tự chủ; tạo môi trường pháp lý, minh bạch cho tự chủ ĐH và giải pháp đẩy mạnh truyền thông.

a2_tr5_BBFW
Ảnh minh họa

Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tỉ lệ 19% giảng viên có trình độ tiến sĩ là quá thấp. “Nếu chúng ta nâng con số này lên thì sẽ tác động nhanh đến chất lượng giáo dục ĐH. Đây là trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường ĐH, nếu Hiệu trưởng có chiến lược xây dựng đội ngũ thì đó là một cách để tạo dựng thương hiệu của nhà trường. Chúng ta chấp nhận nhiều chuẩn giảng viên ĐH khác nhau nhưng phải có một chuẩn chung về trình độ đào tạo.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và rà soát lại một số đề án có liên quan đến đào tạo đội ngũ giảng viên và đội ngũ quản lý. Như Đề án 911, tôi đã đề nghị Chính phủ dành nguồn kinh phí này cho đào tạo đội ngũ, và sẽ không có sự phân biệt trường công trường tư vì đều tham gia vào thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Cùng với việc tổng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh: “Bản thân các trường phải nâng cao năng lực của bộ phận đảm bảo chất lượng.

Thực chất kiểm định chất lượng không phải để xếp hạng hay nhận chứng chỉ mà để các trường có kế hoạch tập trung nguồn lực khắc phục những điểm yếu. Năm 2017, sẽ thực hiện kiểm định hết những trường đã đánh giá trong và đăng ký đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí đã ban hành; năm 2018, sẽ áp dụng theo chuẩn đánh giá của AUN. Trong đánh giá, phân tầng, xếp hạng sẽ không dùng hành chính và cũng không có sự phân biệt trường công, trường tư. Nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả kiểm định để chọn một số trường có chất lượng để đầu tư “vun cao”.

Qua rà soát và kiểm định các cơ sở giáo dục ĐH, “nếu trường nào quá yếu, không thể “chữa bệnh” được thì phải chấp nhận các giải pháp giải thể, sát nhập. Nếu cứ kéo dài sự tồn tại lâm sàng thì chưa chắc đã tốt và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Hiện nay, cũng có trường đã muốn “khai tử” để thu hồi phần nào vốn đầu tư” – Bộ trưởng cho biết.

Quản trị đại học và tự chủ đại học

Bộ GD&ĐT chủ trương, tất cả các trường ĐH phải tự chủ, nhưng là tự chủ có lộ trình. “15 trường đang thực hiện tự chủ đại học là thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm nhằm triển khai và nhân rộng. Cơ quan quản lý nhà nước vẫn cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ và cấp kinh phí theo nhiệm vụ và chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục. Các trường đại học đều bình đẳng trước chất lượng đào tạo” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Theo đó, các trường ĐH cần đổi mới quản trị đại học theo hướng tự chủ, rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám theo nhu cầu thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5 – 10 năm, trong đó lưu ý ưu tiên những ngành phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với những ngành đào tạo có triển vọng, các trường cần tập trung đầu tư giảng viên cả về số lượng lẫn chất lượng.

“Các trường hiện nay gần như không có vướng mắc gì nhiều về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính. Các trường có thể liên kết với các trường đối tác để nhập khẩu chương trình đào tạo, công nghệ giảng dạy, thậm chí là thu hút giảng viên. Riêng tự chủ tài chính, phải đảm bảo nguyên tắc cân đối với chất lượng đào tạo, tránh đội giá chất lượng và không minh bạch; mỗi trường có thể chọn khoảng 1/4 ngành nghề đào tạo để đầu tư theo hướng chất lượng cao. Hiệu trưởng các trường phải xây dựng và thông báo trước mức học phí để người học có thể lựa chọn. Đây là cơ hội để các trường đa dạng hóa nguồn thu” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giáo dục ĐH, các nghị định có liên quan để tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng giúp các trường có thể tự chủ được.

“Nếu cơ chế, chính sách hợp lý thì sẽ không tốn nhiều tiền mà có thể khơi dậy được năng lực cũng như sự sáng tạo của con người. Nếu chúng ta động vào những thứ về kỹ thuật mà trong đó tổng thể không tốt thì chúng ta phải trả giá” – Bộ trưởng nêu rõ - Riêng các cơ sở giáo dục ĐH, cần chú trọng hơn nữa đến khâu truyền thông, “để ít nhất xã hội cũng biết được chúng ta đang thay đổi cái gì, cải tiến đến đâu, chất lượng đào tạo như thế nào”.

“Đây là hội nghị bàn về chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chính vì vậy, từ những kiến nghị, giải pháp được đề xuất tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thành những thông tư, nghị định… tạo sự thông thoáng về cơ chế để các trường có thể sáng tạo, chủ động”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Ý kiến của bạn

Bình luận