Hiện nay, hầu hết những bộ phận như động cơ, bánh xe, bình nhiên liệu, hệ thống điện…trên những mẫu ô tô hạng sang đều được lắp đặt cảm biến. Những cảm biến này có nhiệm vụ thông báo liên tục cho hệ thống máy tính ECU (Electric Control Unit) về quá trình vận hành của xe, nếu có bất kỳ bất thường nào xảy ra, đèn báo trên bảng táp lô sẽ phát sáng hoặc hiển thị cảnh báo lên màn hình trong xe. Lúc này người sủ dụng ô tô cần đặc biệt chú ý.
Cảnh báo từ hệ thống phanh
Những xe như BMW và Acura đều được gắn các cảm biến đo độ dày của má phanh, khi chúng sắp mòn đến điểm giới hạn, hệ thống trong xe sẽ tự gửi thông báo lên màn hình điều khiển để nhắc nhở bạn thay thế trước khi thắng bị mất tác dụng.
Tuy nhiên không cần phải sử dụng chiếc xe với hàng loạt công nghệ cao cấp, bạn vẫn có thể biết được khi nào cần thay má phanh. Cụ thể, khi phanh bị mòn và sắp mất tác dụng hãm tốc độ, bộ phận này sẽ phát ra âm thanh như tiếng kim loại chà sát vào nhau, xe chạy càng nhanh, âm thanh phát ra càng lớn.
Cảnh báo áp suất lốp (TPM)
Một số dòng xe hạng trung trở lên thường được lắp sẵn cảnh báo áp suất lốp, hệ thống này sẽ giám sát từng bánh xe để thông báo khi nào lốp bị thiếu hơi và áp suất thiếu bao nhiêu. Điều này, giúp lái xe nhanh chống phát hiện tình trạng hoạt động của lốp xe và có những biện pháp hạn chế rủi ro.
Nếu xe không có cảm biến áp suất lốp, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra tình trạng thiếu hơi qua những dấu hiệu sau. Đầu tiên, khi bạn đạp ga sâu hơn nhưng xe lại di chuyển chậm chạp, nặng nề hơn bình thường, khi dừng đèn đỏ bạn sẽ có cảm giác xe hơi bị nghiêng qua một bên. Bên cạnh đó, nếu đang dùng ô tô số tự động, khi bạn thả chân thắng, xe không tự chạy mà vẫn đứng im vì lốp đã hết hơi hoàn toàn. Ngoài ra, người dùng xe có thể mua bộ cảnh báo áp suất lốp với mức giá từ 3 – 4 triệu đồng để lắp đặt, hệ thống này được thiết kế để tất cả các dòng xe đều có thể dùng được.
Cảnh báo từ bộ phận lọc khí xả
Xe máy dầu không “đốt” cháy dầu để quay piston như xe máy xăng, thay vào đó nó nén dầu để tạo hỗn hợp nổ. Đây là nguyên nhân làm khí xả của động cơ dầu có nhiều “hạt” đen gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy các cảm biến trong bộ phận lọc khí thải của động cơ dầu rất quan trọng, chúng sẽ báo cho chủ xe thời điểm cần thay thế những chi tiết máy để động cơ không phải đốt thừa lượng nhiên liệu và xả khói đen khi hoạt động.
Nếu bạn đang lái một chiếc xe đời cũ không được lắp cảm biến khí xả, khi xe bắt dầu thải khói đen cũng là lúc bạn phải kiểm tra những hệ thống dưới đây để tiến hành thay thế, sữa chữa. Đầu tiên cần kiểm tra lọc gió để đảm bảo chúng không bị bẩn gây thiếu ô xi vào buồng đốt, kế đến xem xét có béc phun dầu nào bị ngưng hoạt động hay không. Nếu đã đi hơn 170.000km bạn cần mang xe đến gara để kiểm tra piston, xilanh và xéc măng vì lúc này, có thể chúng đã bị hao mòn làm dầu nhớt lọt vào buồng đốt.
Thường xuyên kiểm tra các bộ phận lọc trên xe |
Cảnh báo thay nhớt
Hơn 15 năm trước, các nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng thay nhớt xe sau mỗi 5.000km. Tuy nhiên 5 năm sau, con số này tăng lên 8.000 rồi đến 16.000km. Hiện nay, bạn không cần phải quan tâm về vấn đề này vì các cảm biến trong động cơ của xe đời mới sẽ tự đo đạc chất lượng nhớt và yêu cầu bạn thay khi cần thiết thông qua các thông báo được hiển thị. Ngoài ra các cảm biến này cũng “kiêm” lun nhiệm vụ cảnh báo bạn khi các mức dung dịch trong khoang máy xuất hiện sự hao hụt.
Trên thực tế, chiếc xe sẽ giám sát phong cách điều khiển của chủ nhân, nếu là người lái xe điềm đạm, bạn sẽ tiết kiệm thêm được nhiều km trước khi thay nhớt. Trường hợp chủ xe lái theo phong cách “xe đua”, bạn sẽ phải thay nhớt thường xuyên hơn.
Hơi nước trên kính cản trở tầm nhìn
Khi lái xe trong trời mưa hoặc thời tiết lạnh giá, kính xe thường xuyên bị đục bởi hơi nước đọng bên ngoài làm cản trở tầm nhìn của người lái. Với công nghệ hiện đại, chiếc Acura RLX sử dụng những cảm biến độ ẩm lắp trong xe nhằm thiết lập hệ thống máy lạnh, điều hòa luồng không khí trước khi hơi nước bắt đầu đọng lại trên kính.
Nếu xe bạn không được hiện đại như chiếc Acura trên, khi kính có dấu hiệu bị mờ do sương, hãy hạ cửa kính xuống để luồng không khí bên trong và ngoài xe được lưu thông, ngăn cản tình trạng sương bám lên kính lái. Trường hợp không khí bên ngoài nhiều bụi hoặc trời đang mưa, chuyển sang chế độ lấy gió ngoài để hệ thống máy lạnh cân bằng độ ẩm không khí trong xe. Bên cạnh đó, không để nhiệt độ quá lạnh và bật chế độ sưởi kính cũng góp phần ngăn cản tình trạng đọng hơi nước.
Kiểm tra lỗi thông qua cổng OBD
Ngoài những lỗi lớn có thể gây mất an toàn cho người lái được đề cập ở trên, trong quá trình xe vận hành còn phát sinh những lỗi nhỏ mà đèn trên bảng đồng hồ không đủ nhiều để thông báo hết cho chủ nhân. Lúc này nhà sản xuất mặc định những lỗi này sẽ được hiển thị bằng một mã số khác nhau và nằm trong hệ thống máy tính ECU của xe. Để đọc được những thông tin này, các kỹ thuật viên trong hãng sẽ sử dụng một máy quét lỗi và cắm nó vào xe thông qua cổng kết nối OBD thường được lắp ở vị trí ngay đầu gối trái của người lái. Máy quét lỗi sẽ đọc mã lỗi và hiển thị lên màn hình bộ phận nào của xe đang gặp vấn đề.
Nếu là một người yêu thích máy móc, bạn có thể mua một đầu đọc sử dụng Bluetooth, được thiết kế để cắm vào cổng OBD và kết nối với với phần mềm đọc lỗi cài trong điện thoại thông minh. Lúc này bạn có thể tự dò những lỗi đơn giản của xe và sửa chữa tại nhà. Hiện tại giá thành của thiết bị này khá rẻ chỉ từ 500 – 700 nghìn đồng và phần mềm đọc lỗi có thể được tải miễn phí từ Play Store hoặc App Store.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.