500km đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng thế nào đến năm 2025?

Tác giả: MỸ LỆ

saosaosaosaosao

“Giao thông đi trước mở đường” là chiến lược vô cùng quan trọng để đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển. Chính phủ, và Bộ GTVT cùng các địa phương đặt quyết tâm phấn đấu xây dựng hơn 500 km đường cao tốc từ nay đến năm 2025 tại khu vực kinh tế trọng điểm này.


Nỗ lực để đồng bằng sông Cửu Long có 500 km đường cao tốc - Ảnh 1.

Bản đồ quy hoạch tuyến cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng

Từ nay đến năm 2025, ĐBSCL có 8 dự án giao thông đã, đang và sẽ thi công, xây dựng. Như vậy, đến năm 2026, khi các dự án đã hoàn thiện, khu vực này sẽ vận hành và khai thác 554 km đường cao tốc. Để có được điều này, ĐBSCL phải giải quyết cho được hai vấn đề, đó là nguồn vật liệu và công tác GPMB.

Thông tư tưởng, quyết liệt trong hành động

Hiện nay, khu vực ĐBSCL chỉ có 171 km đường cao tốc, chưa xứng tầm để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của toàn khu vực rộng lớn. Điều này lý giải nguyên nhân "trắc trở" trong khâu đột phá phát triển kinh tế của ĐBSCL. Thực tế, các tuyến quốc lộ tại khu vực đều nhỏ hẹp như QL53, QL50, QL57, Quốc lộ Nam sông Hậu… Chính vì vậy, các nhà đầu tư "ngại" lập dự án, lập doanh nghiệp vì chi phí vận chuyển hàng hóa cao.

Trong buổi làm việc với các địa phương tại khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với tầm quan trọng của khu vực ĐBSCL, chúng ta không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được. "Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, làm càng sớm càng có lợi", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Đối với những khó khăn trong nguồn vật liệu cát đắp tại khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguyên vật liệu là sở hữu của toàn dân dù nằm ở bất kỳ địa phương nào. Việc khai thác như thế nào chính là sự điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Các bên cần phối hợp với nhau, thực hiện tinh thần đoàn kết, vì mục tiêu chung của khu vực, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định công tác GPMB có ý nghĩa quyết định đến tiến độ các dự án, nhưng cũng là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo về GPMB, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tập trung GPMB, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để "thông" tư tưởng người dân. Nếu còn vướng mắc thì đối thoại, không để mất trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm sinh kế người dân, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, cây xanh... tại các khu tái định cư, bảo đảm nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhân cơ hội này tiến hành tái cơ cấu các khu dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Tăng cường tính chủ động của các địa phương

Hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai nhiều hạng mục công trình mang tầm chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Những tuyến đường huyết mạch được "thay áo mới", nhiều dự án, công trình lớn đang dần hoàn thiện.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đang triển khai và chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án đường bộ. Dự kiến trong 5 năm tới, hệ thống đường bộ vùng ĐBSCL sẽ được bổ sung những tuyến quan trọng, tạo động lực phát triển của vùng.

Trong đó, phải kể đến dự án cầu Mỹ Thuận 2 với tổng chiều dài khoảng 6,61 km đi qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe) với chiều dài 22,97 km, đi qua địa phận hai tỉnh Vĩnh Long (12,53 km) và Đồng Tháp (10,44 km). Đặc biệt, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với tổng chiều dài 110,87 km nối trục dọc từ Cần Thơ về đến Cà Mau.

Ngoài ra, tuyến cao tốc phía Tây đoạn Mỹ An - Cao Lãnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021, sử dụng nguồn vốn ODA của EDCF, tổng chiều dài khoảng 26,56 km qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp; hệ thống các dự án cao tốc trục ngang như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tổng chiều dài khoảng 189,48 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng; đoạn Cao Lãnh - An Hữu được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 24/6/2022. Tổng chiều dài của tuyến khoảng 27,43 km, đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Dự án được chia thành hai dự án thành phần và giao cho hai địa phương là cơ quan chủ quản.

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, hiện nay, địa phương là một trong những tỉnh làm tốt công tác GPMB. Thời gian qua, với sự quyết liệt của Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công và nhất là sự đồng thuận hỗ trợ của người dân, các dự án tại địa phương đã được triển khai thi công đồng loạt.

Theo đó, các tỉnh, thành phố nơi có dự án đi qua thường xuyên tiếp xúc, vận động, kêu gọi người dân tạo mọi điều kiện để thực hiện dự án, đồng thời ưu tiên để chủ đầu tư, nhà thầu thi công đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đề ra, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Đây là dịp để khu vực từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và trong vùng ĐBSCL nói riêng.

"Tôi tin chắc rằng, khi các dự án hoàn thành sẽ tạo làn sóng mới trong thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời, tôi cũng đề nghị chủ đầu tư cùng các nhà thầu bố trí nhân lực hợp lý, có năng lực kỹ thuật cao, có đủ trang thiết bị tổ chức thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, khắc phục khó khăn, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công để triển khai công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn lao động", Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.

Đối với vướng mắc về nguồn nguyên liệu cát, hiện nay một số địa phương có mỏ cát ở ĐBSCL đã đồng ý cùng chia sẻ nguồn cát để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Về vấn đề này, Chính phủ đã yêu cầu địa phương phải xử lý nghiêm, không để tình trạng tài nguyên của đất nước giao cho tư nhân quản lý và xảy ra tình trạng lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá. Việc khai thác và sử dụng nguồn vật liệu phải được xếp thứ tự ưu tiên cho từng dự án. Những địa phương không có mỏ vật liệu cũng phải chủ động làm việc cùng các địa phương, phối hợp với ban QLDA và các nhà thầu để sớm bố trí được nguồn vật liệu cho dự án tại địa bàn của mình. Cuối cùng là sự quyết tâm của các nhà thầu, công nhân trên công trường. Các đơn vị phải "vượt nắng, thắng mưa" triển khai dự án bảo đảm chất lượng cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Tất cả những thách thức đặt ra trên đây địa phương phải có sự chủ động trong nắm bắt và giải quyết để bất kỳ dự án nào đi qua địa bàn cũng có được sự thuận lợi nhất, đảm bảo thi công về đích đúng tiến độ.

Vì một ĐBSCL phát triển thịnh vượng cần phải có hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại. Xây dựng 554 km đường cao tốc là thách thức nhưng cũng là yếu tố để "lửa thử vàng, gian nan thử sức".

Ý kiến của bạn

Bình luận