Brexit đã đẩy nước Anh vào thế bế tắc chính trị chưa từng có tiền lệ. |
Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 15/1, kế hoạch của Thủ tướng Anh Theresa May cho việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã bị các nghị sỹ "gạt phăng" với tỷ lệ phiếu chống cao chưa từng thấy trong lịch sử Anh.
Diễn biến này đẩy nước Anh chìm sâu hơn vào thế bế tắc chính trị xung quanh Brexit.
Với thời hạn 29/3 để Anh rời EU đến ngày càng gần, Chính phủ của bà May đang gấp rút vạch ra một kế hoạch hành động mới.
Theo hãng tin CNBC, có 6 kịch bản Brexit để nước Anh lựa chọn vào thời điểm này:
1. Đàm phán lại
Số phiếu chống áp đảo trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện đặt ra câu hỏi về việc liệu bà May có thể điều chỉnh thỏa thuận để thuyết phục các nghị sỹ đổi ý. Tuy nhiên, bà May và ê-kíp có thể tin rằng có nhiều nghị sỹ sẵn sàng chuyển từ phản đối sang đồng ý và đang chờ xem liệu bà có giành được thêm sự nhượng bộ từ EU.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thỏa thuận Brexit của bà May là điều khoản về Bắc Ireland. Điều khoản này nhằm ngăn việc thiết lập một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland - quốc gia vẫn là một thành viên EU. Nhiều người chỉ trích kế hoạch của bà May xem điều khoản này là một cách khiến nước Anh mãi bị ràng buộc với EU.
Các quan chức EU đã trấn an rằng sẽ không có sự ràng buộc như vậy, nhưng chính đảng Bắc Ireland hiện đang ủng hộ Đảng Bảo thủ của bà May nói rằng sự trấn an đó là chưa đủ.
2. Tổng bầu cử
Thủ lĩnh Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn, đã nói rằng ông sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của bà May vào ngày thứ Tư. Theo dự kiến, kết quả của cuộc bỏ phiếu này sẽ được công bố vào lúc khoảng 7h tối ngày thứ Tư theo giờ London.
Nếu Chính phủ của bà May không vượt qua được cuộc bỏ phiếu này, Quốc hội Anh sẽ có 14 ngày để đạt đạt một sự sắp xếp mới cho việc lãnh đạo đất nước. Nếu không, một cuộc tổng bầu cử mới sẽ được tổ chức.
EU đã nói rằng việc nước Anh thay đổi lãnh đạo sẽ không khiến Brussels thay đổi lập trường về Brexit.
3. Trưng cầu dân ý lần nữa
Cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra vào tháng 6/2016 thực chất là một cuộc thăm dò ý kiến không có ý nghĩa ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, các nghị sỹ Anh đã hứa với cử tri rằng họ sẽ hành động theo kết quả bỏ phiếu.
Một phong trào hiện đang nổi lên ở Anh nhằm vận động tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa, cho rằng giờ mới là lúc người Anh thực sự biết mình đang muốn gì. Những người phản đối ý tưởng này thì cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ là sự phớt lờ và xúc phạm quy trình dân chủ của cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên.
Trao đổi với CNBC hôm thứ Hai, cựu Thủ tướng Gordon Brown của Công đảng nói rằng khả năng có thêm một cuộc trưng cầu dân ý nữa đang tăng lên.
4. Hoãn Brexit
Một số nghị sỹ Anh, nhất là của các đảng đối lập, tin rằng Anh vẫn có thể đàm phán lại với EU để có một thỏa thuận Brexit khác. Trong trường hợp như vậy, thời hạn Brexit cần phải được đẩy lùi để hai bên có thời gian đàm phán.
Điều này đồng nghĩa với việc Điều 50 Hiệp ước EU phải được điều chỉnh. Bà May kích hoạt điều khoản này vào tháng 3/2017, khởi động quãng thời gian đếm ngược kéo dài 2 năm để Anh ra khỏi khối vào ngày 29/3/2019.
Để hoãn Brexit, thời hạn trong Điều 50 phải kéo dài hơn và sự điều chỉnh đó phải có sự thông qua của 27 thành viên EU. Hiện chưa rõ liệu EU có chấp nhận một đề nghị như vậy và có thể cho phép gia hạn đến khi nào.
5. Hủy Brexit
Bất kỳ động thái nào tiến tới một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hoặc kéo dài thời hạn trong Điều 50 cũng làm gia tăng khả năng Brexit bị hủy. Hôm thứ Hai, bà May nói rằng một kết quả như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị Anh.
Văn phòng Thủ tướng Anh nhận định khả năng Brexit bị chặn lại giờ đây đã cao hơn cả khả năng nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào.
Tuần trước, nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng người Anh Crispin Odey, một người ủng hộ Brexit, nói với hãng tin Reuters rằng giờ đây ông tin Anh sẽ không ra khỏi EU. "Tôi cho rằng Brexit sẽ không xảy ra. Tôi không nhận thấy khả năng Brexit diễn ra nếu Quốc hội Anh còn trong tình trạng hiện nay", ông Odey phát biểu.
6. Brexit không thỏa thuận
Nếu EU không nhượng bộ, và các nghị sỹ Anh không phê chuẩn thỏa thuận nào, thì khả năng Anh ra khỏi EU trong tình trạng "hỗn loạn" là rất lớn.
Nhiều phân tích đã cảnh báo về thiệt hại kinh tế nặng nề mà nước Anh phải gánh chịu nếu ra khỏi EU mà không có thỏa thuận. Trong một báo cáo vào cuối 2018, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên mức 7,5%, giá nhà sụt 30%, đồng Bảng rớt giá sâu, và nền kinh tế Anh sẽ giảm quy mô khoảng 8% trong vòng 1 năm.
Dù cũng có một số nghị sỹ muốn Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, những nghị sỹ như vậy chỉ chiếm thiểu số trong Quốc hội Anh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.