Toàn cảnh buổi Tọa đàm |
Chương tình tọa đàm do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Dự án Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết: Những năm gần đây công tác bảo vệ quyền SHTT được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Cụ thể, từ năm 2014, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về SHTT để đáp ứng nhu cầu thực tế trong nước và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc phối hợp triển khai “Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2012-2015” giữa các Bộ, ngành đã tạo điều kiện để các cơ quan thực thi quyền SHTT Việt Nam xử lý tốt hơn với các hành vi xâm phạm. Song, tình trạng xâm phạm SHTT, sản xuất và buôn bán hàng giả vẫn diễn ra trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế như: sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu; từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa giá trị cao… Thủ đoạn của các hành vi xâm SHTT cũng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường, 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 925 vụ xâm phạm SHTT, xử phạt trên 5,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 4,5 tỷ đồng về giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì; xử lý 222 vụ, phạt trên 734 triệu đồng, trị giá tang vật ước tính trên 5,3 tỷ đồng vi phạm giả về tem, nhãn bao bì hàng hóa và xử phạt 194 vụ, phạt trên 1,4 tỷ đồng, trị giá tang vật trên 1,6 tỷ đồng.
Nêu ý kiến tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, hàng giả xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường, cả chính ngạch và tiểu ngạch. Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hầu hết các lĩnh vực vẫn diễn ra phức tạp như: sách báo, âm nhạc, điện ảnh, ghi âm, ghi hình mà không trả tiền cho các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan…. Vấn đề vi phạm bản quyền càng trở nên phức tạp hơn trong môi trường internet, vì tại đây người sử dụng dễ dàng thực hiện các hành vi sao chép và phổ biến trái phép.
Đưa ra giải pháp về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo (Cục SHTT) cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như nâng cao công tác quản lý nhà nước về phòng chống tội phạm xâm phạm SHTT thì việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc sâu rộng, kịp thời của các cơ quan báo chí, truyền thông, nhằm tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu về tác hại của việc xâm phạm quyền SHTT, quyền bảo hộ SHTT, từ đó giúp họ tự giác không tham gia mua hàng giả, vi phạm SHTT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.