Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Bình Định ngày mùng 1 Tết khiến 2 người chết và 1 người bị thương (Ảnh N.Trần) |
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết trong 3 ngày 7, 8, 9/02 (tức 29, mùng 1, mùng 2 Tết) toàn quốc xảy ra 104 vụ tai nạn, làm chết 64 người, bị thương 98 người.
Cụ thể, ngày 7/02, cả nước xảy ra 34 vụ, làm chết 23 người, bị thương 30 người (đều là đường bộ); ngày 8/02, cả nước xảy ra 32 vụ, làm chết 21 người, bị thương 30 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 31 vụ, làm chết 21 người, bị thương 28 người, đường sắt xảy ra 1 vụ làm 2 người bị thương và đường thuỷ không để xảy ra TNGT.
Chỉ riêng ngày 9/2, cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn, làm chết 20 người, bị thương 38 người. Trong đó, đường Bộ xảy ra 37 vụ, làm chết 20 người, bị thương 37 người; đường sắt xảy ra 1 vụ làm 1 người bị thương và đường thuỷ không để xảy ra TNGT.
"So sánh TNGT trong 3 ngày 29, 1, 2 Tết Nguyên đán Bính Thân so với kỳ nghỉ 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 thì số vụ, số người chết, số người bị thương giảm mạnh, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng", ông Nguyễn Trọng Thái nhấn mạnh. Tình trạng ùn ứ kéo dài xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường xung quanh khu vực đền, chùa trên địa bàn thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do mật độ người tham gia giao thông tập trung về khu vực này quá lớn, thêm vào đó tình trạng xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm bãi trông giữ xe diễn ra phổ biến, người dân dừng đỗ tìm chỗ gửi xe nên tình trạng giao thông tại các khu vực này càng thêm lộn xộn.
Trong 3 ngày 7, 8, 9/2 đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp nhận được khoảng 70 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh về tình trạng vận tải hành khách như tự ý tăng giá vé, lấy phụ thu cao quá quy định, nhồi nhét khách một số tuyến ngắn đường; xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, tình trạng thu tiền trông giữ xe cao quá quy định tại các khu vực đền chùa, khu vực kinh doanh dịch vụ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để theo nội dung các thông tin được phản ánh.
Đồng thời, theo tổng hợp từ các phương tiện thông tin đại chúng trong 3 ngày Tết đã đưa tin 4 vụ tai nạn làm 5 người chết và 4 người bị thương. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn xảy ra vào lúc 16h ngày 8/2 (tức ngày mồng 1 Tết), tại Km1206+300/QL.1 trên địa bàn tỉnh Bình Định (tuyến tránh TX An Nhơn) xảy ra 01 vụ tai nạn nghiêm trọng, xe khách mang BKS 51B-08585 chạy hướng Bắc – Nam đã gây tai nạn với xe mô tô (chưa rõ biển số) chở 3 người. Hậu quả làm 1 người chết tại chỗ, 2 người bị thương nặng.
Cũng theo ông Thái, tình hình giao thông trên các tuyến đường, đêm giao thừa ngày 07/02 (29 Tết) hàng vạn người dân đã đổ về các điểm bắn pháo hoa đón năm mới trên toàn quốc. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng kẹt cứng tại một số điểm bắn pháo hoa. Tuy nhiên do Công an Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông cụ thể và bố trí, huy động lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng nên tình hình giao thông tại các khu vực này nhanh chóng ổn định trở lại.
Tại Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật TTATGT diễn ra rất phổ biến.
Trong đó, từ sáng ngày 08/02 (mùng 1 tết) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trên hầu hết các tuyến phố mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình. Tuy nhiên tình trạng ùn ứ xảy ra tại các lối vào của nhiều đền, chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội như khu vực đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Hà, đền Quán Sứ. Nguyên nhân là do rất nhiều người dân đã đổ dồn về các khu vực này để du xuân, cầu may, thêm vào đó tình trạng các bãi xe tràn ra vỉa hè, lòng đường nên tình trạng giao thông tại các khu vực này thêm lộn xộn. Lực lượng cảnh sát giao thông vẫn được bố trí tại các điểm nút quan trọng để điều tiết giao thông nên các khu vực này đã không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Trước tình hình đó, Uỷ ban ATGT Quốc gia đề nghị các Sở, ban ngành địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 2313/CĐ-TTg ngày 17/12/2015 về việc bảo đảm TTATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016; kịp thời báo cáo các vụ TNGT giao thông đặc biệt nghiêm trọng về Ủy ban ATGT Quốc gia. Đồng thời xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình TTATGT và hoạt động vận tải khách qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ Tết.
Công an tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã về nguy cơ tai nạn giao thông khi lái xe trong tình trạng đã uống rượu, bia; nguy cơ chấn thương sọ não và tử vong trong trường hợp bị tai nạn giao thông khi đi mô tô, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm đúng quy định; yêu cầu nhân dân thực hiện “Đã uống rượu bia-không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”; “Không cầm và nghe điện thoại di động khi lái xe”.
Trong những ngày cuối của dịp nghỉ tết Nguyên Đán Bính Thân, mật độ người tham gia giao thông đổ về các đền chùa để du xuân, cầu may sẽ ngày một đông. Yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có phương án bố trí, huy động lực lượng bố trí tại các khu vực này, thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông, yêu cầu các hộ kinh doanh trông giữ xe chấp hành nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.