Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Tây Nguyên |
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Nghị định số 41, thành lập Bộ Giao thông Công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; đánh dấu sự khởi đầu cho một truyền thống vẻ vang, anh hùng của ngành GTVT. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, ngành Giao thông non trẻ đã ý thức được nhiệm vụ lớn lao là “mạch máu của tổ chức”, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ vừa phải phá hủy cầu đường để ngăn chặn bước tiến của giặc Pháp, vừa phải tổ chức vận tải quân lương, hàng hóa phục vụ kháng chiến, lo vận chuyển người, tiếp tế cho phía Nam và làm nhiệm vụ tiếp tế cho Lào, Campuchia, đặc biệt là mở đường cho các chiến dịch, từ Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 đến chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ngày 25/12/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 72/SL thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông Công chính - tiền thân của ngành Vận tải ô tô, trong đó xác định: “Sở Vận tải là một doanh nghiệp quốc gia, có nhiệm vụ tổ chức việc vận tải quốc gia, hướng dẫn các tổ chức vận tải của tư nhân theo chính sách và kế hoạch kinh tế tài chính của Chính phủ”. Đến nay, qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Vận tải ô tô dù mang những tên gọi khác nhau, nhiệm vụ cũng có thay đổi, nhưng tất cả đều chung mục đích là vận tải hàng hóa và hành khách phục vụ nhân dân, phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn khởi đầu, ngay từ khi được thành lập, ngành Vận tải ô tô non trẻ khi đó chỉ có 20 ô tô, 1 xưởng sửa chữa cùng những phương tiện thô sơ đã đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển hàng hóa, người phục vụ các chiến dịch, tiến tới chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong 10 năm hòa bình xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngành Vận tải ô tô đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, trưởng thành về đội ngũ và chất lượng phục vụ với nhiều biện pháp và kinh tế kỹ thuật. Năm 1964 là năm ngành Vận tải ô tô đạt năng suất cao nhất, có thể coi đó là đỉnh cao trong quá trình xây dựng, phát triển đầy thử thách, giàu chiến công, thành tích đáng tự hào của ngành Vận tải ô tô toàn miền Bắc. Cùng với đó, ngành Vận tải ô tô đã tham gia vận tải phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, những người lái xe vẫn kiên cường, dũng cảm đảm bảo hoạt động vận tải, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tất cả để chiến thắng”. Cũng chính trong giai đoạn này, nhiều chiến sỹ lái xe đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tổ quốc quyết sinh.
Bước vào thời bình, trong sự nghiệp tái thiết và phát triển đất nước, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường, Đảng, Nhà nước đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển GTVT để GTVT đi trước một bước, tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) xác định: “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng’’ và “GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân’’.
Phát huy truyền thống “Đi trước mở đường”, ngành GTVT đã có nhiều đóng góp trong phát triển hạ tầng giao thông tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh. Trong đó, ngành Đường bộ trong 30 năm đổi mới đã đạt nhiều thành quả. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành Vận tải ô tô cơ bản được xã hội hóa với tốc độ phát triển nhanh chóng, phương tiện được đầu tư mới, chất lượng được nâng cao, số phương tiện tăng nhanh, thỏa mãn nhu cầu đi lại của toàn xã hội. Hoạt động vận tải quốc tế cũng đã có những bước phát triển rõ rệt, được thực hiện bằng các hiệp định đa phương và song phương với các nước lân cận, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vận tải đa phương thức, vận tải container có bước phát triển mạnh. Vận tải hành khách công cộng tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng làm giảm UTGT đô thị. Vận tải hàng hóa tăng bình quân 13,5% về số phương tiện; 15% về tấn phương tiện và tăng 9% số ghế xe.
Trong những năm gần đây, ngành Đường bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác tăng cường quản lý vận tải, đảm bảo ATGT, đặc biệt chú trọng công tác phối hợp với các tỉnh/thành phố trên cả nước trong việc định hướng phát triển GTVT địa phương phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển GTVT chung của toàn Ngành với mục tiêu hình thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc, trong đó chú trọng liên kết vận tải giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia kinh doanh vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; nâng cao chất lượng khai thác vận tải, dịch vụ hỗ trợ; tăng cường xây dựng các đề án chiến lược giảm thiểu TNGT và UTGT; tập trung giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường trong GTVT đường bộ; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe; tập trung đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt trong mọi tình huống. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật như: Quản lý vận tải trên nền bản đồ số, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe, các dịch vụ công như cấp đổi giấy phép lái xe đã được áp dụng cấp độ 4 với nhiều tiện ích cho người dân khi các thủ tục được đơn giản… Trong những năm tới, ngành GTVT sẽ tập trung phát triển đường cao tốc, ngành Đường bộ sẽ phải ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, khai thác vận hành để khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng và bảo vệ quốc phòng - an ninh.
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, những đóng góp của các thế hệ CB, CNVC và người lao động ngành Vận tải ô tô trong chiến công to lớn của toàn ngành GTVT đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng năm 1995; Huân chương Hồ Chí Minh năm 1990 và năm 2010; Anh hùng Lao động; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.