Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Ngọc/TTXVN) |
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với khu bến cảng Lạch Huyện là dự án quan trọng không chỉ với thành phố Hải Phòng mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển ngành hàng hải Việt Nam, là cửa ngõ thông thương với thế giới, ngoài ra còn có một vị trí quan trọng trong an ninh biển, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Vì vậy, theo lãnh đạo thành phố Hải Phòng, việc lựa chọn được một tổ chức kinh tế có uy tín, năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, khai thác, vận hành đồng thời có yếu tố kinh tế quốc phòng để triển khai đầu tư tập trung và quản lý kinh doanh khai thác dự án là điều hết sức quan trọng.
“Việc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn Vingroup-Công ty CP họp tác thành lập doanh nghiệp đầu tư dự án đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về việc lựa chọn được một nhà đầu tư có đủ điều kiện về năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư xây dựng, kinh nghiệm quản lý, khai thác vận hành cảng và có yếu tố kinh tế quốc phòng để thực hiện dự án tại khu bến cảng Lạch Huyện,” lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khu bến cảng Lạch Huyện cần được đầu tư, khai thác và vận hành tập trung, không phân tán mới có thể đảm bảo thành công và đem lại lợi thế so sánh với các khu cảng khác trong khu vực và thế giới. Đây là một kinh nghiệm sâu sắc từ thực tế đầu tư cảng nước sâu tại khu vực Cảng Cái Mép-Thị Vải, cụm cảng nước sâu đầu tiền của Việt Nam có thể tiếp nhận được tàu lớn có tải trọng lên tới 8.000 TEU (tương đương 140.000 tấn).
Theo đó, 2 đơn vị này đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng và quản lý khai thác khu bến cảng Lạch Huyện bao gồm các công trình.
Các công trình có tính chất công cộng-công trình hạ tầng nạo vét khu nước kết nối luồng tàu; xây dựng đê chắn sóng, chấn cát, hệ thống đường trục chỉnh sau cảng; san lấp, xử lý nền bãi của khu cảng... Nhóm công trình này đòi hỏi công tác xây dựng phải được thực hiện trước, có nguồn kinh phí xây dựng cao, về lâu dài cần có sự quản lý đồng bộ, được duy tu bảo dưỡng định kỳ đề đảm bảo chất lượng của dịch vụ.
Công trình phục vụ trực tiếp khai thác cảng xây dựng cầu bến, hệ thống đường bãi nội bộ, công trình kiến trúc, hệ thống giao thông nội bộ trong các bến, hạ tầng cấp điện, nước bên trong hàng rào cảng.
Phía Vingroup và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng đưa ra tiến độ dự kiến thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu trong năm 2017-2018. Năm 2019 sẽ tiến hành khởi công xây dựng các bến và hạ tầng phù hợp.
Giai đoạn năm 2019-2021 xây dựng 2 bến container. Từ năm 2021-2025 xây dựng tiếp 3 bến tổng hợp. Từ năm 2025-2030 xây dựng tiếp 2 bến container, 4 bến tổng hợp. Sau năm 2030 xây dựng tiếp 8 bến container, 2 bến phát triển, 4 bến dầu và hoàn thiện khu cảng theo quy hoạch.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà 2 đơn vị này đưa ra là khoảng 67.500 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu là 15% và 85% từ nguồn vốn vay tín dụng) được phân kỳ theo các giai đoạn đầu tư.
Để đảm bảo phương án tài chính, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đưa ra hiệu quả đầu tư vào bến cảng Lạch Huyện khi giá trị hiện tại ròng cao với 4.450 tỷ đồng và tỷ suất nội hoàn tài chính tới 12%.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, chỉ tính riêng năm 2016, sản lượng hàng qua cảng Hải Phòng đạt 80 triệu tấn, kế hoạch năm 2017 đạt 92 triệu tấn, mức tăng bình quân trong các năm gần đây đạt trên 11,5%/năm, dự kiến sản lượng hàng qua cảng Hải Phòng đến năm 2025 có thể đặt khoảng 210 triệu tấn/năm.
Với tốc độ phát triển xa so với dự báo, tuyến đường và cầu Tân Vũ-Lạch Huyện sắp hoàn thành với quy mô như hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu về lưu lượng phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông và thuận tiện cho việc kết nối phát triển kinh tế, đặc biệt khi thành phố đang tập trung phát triển quần đảo Cát Bà trở thành khu du lịch sinh thái mang tầm quốc tế./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.