Tỷ phú Warren Buffett ủng hộ quan điểm đầu tư dài hạn. |
Hãy “lười biếng”
Bill Gates từng có câu nói nổi tiếng rằng "chọn người lười biếng để làm những việc khó khăn. Bởi một người lười biếng sẽ tìm ra cách dễ dàng để làm việc đó".
Ngay cả chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2017 Richard Thaler cũng được đồng nghiệp mô tả là người “lười biếng”. Tuy nhiên, vị giáo sư lại cho rằng, nhờ tố chất này mà ông có khả năng phân định những thứ thực sự quan trọng với những gì vô bổ.
Theo chuyên gia Elle Kaplan, nhà sáng lập kiêm CEO của LexION Capital, từ “lười biếng” nghe có vẻ tiêu cực nhưng thực sự, một số người lười biếng chính là những người luôn đổi mới để tìm ra cách làm việc hiệu quả hơn. Nói một cách khác là hãy làm việc thông minh hơn thay vì chăm chỉ hơn.
Chậm mà chắc
“Chậm mà chắc” là lời khuyên nghe có vẻ bất hợp lý trong thời đại các quyết định cần được đưa ra nhanh chóng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sự thành công về mặt tài chính hay cá nhân chỉ sau một đêm chỉ là “huyền thoại”.
Thực tế, nhiều doanh nhân có xu hướng nghĩ ngược lại. Ví dụ, khi nói đến đầu tư cổ phiếu, không ít nhà đầu tư chọn cách tiếp cận dài hạn hơn là lướt sóng. Chính tỷ phú Warren Buffett cũng từng nói “Người nào được ngồi trong bóng râm ngày hôm nay là bởi họ đã trồng cây từ rất lâu rồi”.
Thích nghe chỉ trích
Sự tiêu cực có thể gây tổn thương. Nhưng một số người thành công lớn lại rất “thèm” được nghe những lời chỉ trích và sẵn sàng đưa ra phản biện một cách chân thành. Họ làm vậy vì muốn nhận được các góc nhìn đa chiều nhằm rút kinh nghiệm và thành công hơn.
Khá nhiều người chấp nhận bị chỉ trích. Song, để biến những chỉ trích thành bài học và dùng nó để phát triển bản thân thì khá hiếm người làm được. Nói cho cùng, những nhận xét khó nghe sẽ làm tổn hại đến cái tôi cá nhân của bạn. Nhưng nếu bạn bắt đầu chấp nhận nó, bất kể bao nhiêu, thì bạn sẽ thấy nó giúp mình tốt lên từng ngày.
Đừng tham cơ hội
Chúng ta thường nghĩ rằng người thành công là người luôn biết nắm bắt tất cả cơ hội mới. Tuy nhiên, với tỷ phú Richard Branson, thời gian mới chính là tài sản giá trị và hữu hạn nhất. Vì vậy, ông ưu tiên và bảo vệ nó hơn là đề cao việc chớp cơ hội. “Cơ hội kinh doanh giống như xe buýt. Luôn có thêm một chiếc nữa”, ông ví von.
Quý trọng thời gian là xác đáng. Vì nhờ nó, ta cân nhắc được những gì thực sự cần thiết. Đang có rất nhiều thứ gây phân tâm, làm phí phạm thời gian của bạn. Do đó, hãy học cách loại bỏ chúng và tập trung vào những ưu tiên hàng đầu để tối đa hóa thời gian và năng lượng.
Hãy thật tiết kiệm
“Bạn phải tiêu tiền để kiếm tiền”. Đây là câu nói bạn thường xuyên được nghe. Hơn nữa, nhiều người thường nghĩ về giới nhà giàu với những chiếc siêu xe và biệt thự hào nhoáng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các triệu phú tự thân và hàng loạt tỷ phú hàng đầu thế giới, bạn sẽ thấy họ thường không phải là những người tiêu dùng xa hoa. Chẳng hạn như Mark Zuckerberg, người nắm tài sản 70 tỷ USD mà vẫn chạy chiếc Volkswagen Jetta.
Những cá nhân thực sự thành công hiểu rằng sự sang trọng thực sự là những thứ có thể giúp họ theo đuổi ước mơ, thay vì làm tốn tiền một cách vô bổ. Họ cố gắng mỗi ngày để phát triển sự giàu có và đầu tư cho tương lai thay vì chạy theo những món hàng thời thượng nhất.
Thất bại nhiều lần
“Không thể sống mà không mắc lỗi lầm, trừ khi bạn sống quá thận trọng đến nỗi bạn vẫn chưa hề sống. Trong trường hợp đó, bạn đã thất bại một cách mặc định”, JK Rowling từng nói.
Thất bại là điều mà mỗi chúng ta cố tránh càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, những người cải cách và tiên phong không chỉ xem thất bại là một phần của quá trình mà còn cố tình thiết lập các mục tiêu “không thể” để thất bại thường xuyên hơn.
Bạn cần phải chấp nhận rằng thất bại là cần thiết để tiến bộ. Nếu bạn mơ lớn thì phải hiểu mình sẽ đối diện nhiều thử thách và thất bại. Chấp nhận nó và chỉ cần nhớ bạn được quyền làm lại sau mỗi thất bại.
Đừng cố làm người giỏi nhất
Có một quan niệm phổ biến rằng người thành công là người cố gắng làm tốt hơn những gì người khác làm. Tuy nhiên, thay vì phải vượt qua người khác, nhiều người làm giàu bởi họ “bơi ở một làn khác”, với con đường riêng do mình sáng tạo. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ, bạn có đủ can đảm trước những e dè của người khác hay không.
“Khi bạn đổi mới sáng tạo, bạn phải sẵn sàng bị người khác bảo là mất trí”, Larry Ellison – CEO của Oracle nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.