8 điểm mới về kinh doanh vận tải trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 09/06/2020 12:35

Nhiều quy định mới được đưa ra phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với những khuyến cáo của các chuyên gia ATGT và của Liên hợp quốc.


van-tai
(Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN)

 Bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải

Theo đó, dự thảo bổ sung khái niệm “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của họat động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”.

Việc bổ sung này nhằm Luật hóa nội dung đang được quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP với mục tiêu phân định rõ hoạt động kinh doanh vận tải với các hoạt động cung cấp dịch vụ khác có liên quan, phân định hoạt động vận tải nội bộ, hoạt động vận tải cá nhân. Đồng thời để đảm bảo thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới, tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải.

Phân loại các loại hình kinh doanh vận tải

Dự thảo Luật sửa đổi phân định rõ: đối với kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo phân loại lại từ 5 loại hình xuống thành 3 loại hình gồm xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng.

Trong đó, loại hình xe buýt bao gồm xe buýt nội tỉnh và xe buýt liên tỉnh được gộp từ 2 loại hình vận tải có cùng tính chất (tuyến, biểu đồ chạy xe và lộ trình ổn đinh) được quy định trong Luật GTĐB 2008 là vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe buýt. Loại hình taxi trong dự thảo lần này bao gồm vận tải hành khách bằng xe taxi và vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch bằng xe ô tô dưới 9 chỗ được quy định trong Luật năm 2008 vì có cùng bản chất dịch vụ. Còn loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng được ghép từ 2 loại hình: vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách du lịch quy định trong Luật năm 2008, đồng thời quy định sức chứa ô tô từ 9 chỗ trở lên giúp tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất.

Như vậy, theo phương án phân loại lại như trên, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được phân định thành 3 loại hình với những đặc điểm khác biệt rõ ràng về tính chất dịch vụ và cách thức tổ chức, quản lý điều hành vận tải, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp.

Đối với kinh doanh vận tải hàng hóa, dự thảo gộp loại hình vận tải hàng hóa thông thường và loại hình vận tải hàng hóa bằng xe taxi thành quy định về vận tải hàng hóa. Dự thảo cũng bỏ các kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng, kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm do đã có điều quy định riêng tại dự thảo Luật.

Giảm bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết

Dự thảo loại bỏ 6 điều kiện kinh doanh gồm: điều kiện đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe; điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai; điều kiện chỉ các doanh nghiệp hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi, xe container; điều kiện về bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh; điều kiện nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, ATGT; điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi, xe container phải có bộ phận quản lý ATGT.

Dự thảo cũng bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải phải lắp camera từ Nghị định 10/2020/NĐ-CP để đảm bảo giám sát hoạt động của lái xe, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và trong công tác ATGT, an ninh trật tự trên xe.

Bổ sung quy định tăng cường công tác đảm bảo ATGT

Dự thảo Luật đã bổ sung 1 điều quy định cụ thể về công tác đảm bảo ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, quy định rõ các nội dung tối thiểu của quy trình bảo đảm ATGT trong suốt quá trình tham gia hoạt động vận tải; quy định trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo ATGT đối với chủ thể tham gia kinh doanh vận tải. Quy định này gắn trách nhiệm cụ thể trong việc theo dõi, giám sát và xử lý các vấn đề liên quan đến ATGT trong hoạt động kinh doanh của đơn vị trong suốt quá trình phương tiện, lái xe tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa nhằm đảm bảo công tác theo dõi, quản lý các vấn đề liên quan đến ATGT tại đơn vị vận tải.

4911_054548-9

Bổ sung quy định đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô

Nội dung dự thảo quy định thành 1 điều riêng về vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Cụ thể, dự thảo đưa ra định nghĩa về vận tải hành khách công cộng, đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng như ưu đãi về thuế, phí; hỗ trợ lãi suất vay vốn; trợ giá cho người sử dụng; ưu đãi về tiền thuê đất đầu tư xây dựng điểm đầu, điểm cuối, các công trình phụ trợ, đường dành riêng cho xe buýt.

Bổ sung quy định đối với hoạt động vận tải nội bộ

Dự thảo đưa ra quy định về xe ô tô, về lái xe vận tải nội bộ. Trong đó có quy định về xe nội bộ phải được gắn phù hiệu và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera và một số quy định khác liên quan đến phương tiện người lái, đơn vị vận tải nội bộ nhằm đảm bảo ATGT.

Bổ sung quy định đối với hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái

Dự thảo đưa ra quy định về xe ô tô, về trách nhiệm của người cho thuê và người thuê xe tự lái. Trong đó tập trung quy định đối với xe ô tô tự lái phải lắp thiết bị giám sát hành trình; quy định một số yêu cầu đối với đơn vị cho thuê xe như phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chỉ được cho thuê xe ô tô có sức chứa từ 9 người ngồi trở xuống, không được bố trí hoặc cho thuê cả lái xe cho người thuê xe; không được sử dụng xe cho thuê để kinh doanh vận tải hành khách có thu tiền hoặc tham gia hoạt động đó theo yêu cầu của bên thứ 3, phải thông báo bằng văn bản đến sở GTVT địa phương một số thông tin tối thiểu trước khi hoạt động kinh doanh, phải có hợp đồng thuê xe với người có nhu cầu thuê xe…

Bổ sung quy định đối với dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô

Dự thảo tập trung vào một số quy định nhằm đảm bảo ATGT, giám sát chặt chẽ trong quá trình đưa đón học sinh như xe phải có màu sơn riêng, được ưu tiên hoạt động trong làn đường dành riêng cho xe buýt, lái xe phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải khách, ưu tiên bố trí điểm dừng, đỗ, trên xe phải bố trí người quản lý học sinh, lái xe phải kiểm tra đảm bảo không còn người ngồi trên xe khi xe kết thúc hành trình, ưu tiên trong quá trình tham gia giao thông, bố trí điểm dừng đỗ…Bên cạnh đó dự thảo cũng đưa ra quy định cụ thể phải thực hiện trong trường hợp cơ sở giáo dục đào tạo tự tổ chức hoặc trường hợp cơ sở giáo dục đào tạo đi thuê đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện để phân định rõ trách nhiệm và các nội dung phải thực hiện trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Ý kiến của bạn

Bình luận