Nước thải tù đọng, bốc mùi hôi thối tại cống cuối đường Tôn Thất Đạm giao Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ngày 29/7, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chủ trì buổi họp "nóng" với ngành môi trường, du lịch, công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng ngay tại bãi tắm Thanh Khê (quận Thanh Khê) nhằm tìm giải pháp xử lý thực trạng nhiều cống xả thải thẳng tra biển.
Ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, bãi biển Thanh Khê dài 4,3 km nhưng có đến 9 cống xả thải trực tiếp ra biển. Trong đó, 3 cống kênh Phú Lộc, Tôn Thất Đạm và trước một khách sạn đang hoạt động, 6 cống còn lại đang khô nước.
Tình trạng trên đã khiến môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối, người dân và du khách không dám xuống tắm, còn cư dân sinh sống và buôn bán gần các cống thải này phải sống giữa ô nhiễm.
"Hơn 5 năm rồi, từ khi hoàn thành việc xây dựng các cống thải, cứ mưa to hay mất điện trạm xử lý vận hành không kịp là nước đen ngòm lại tràn ra biển", ông Nghĩa cho hay. Trách nhiệm xử lý nước thải là của Công ty cấp thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, tuy nhiên việc này đang được Công ty làm tạm bợ bằng cách đặt nhiều bao tải cát ngang miệng cống. "Phía công ty nói mỗi tuần đều đi kiểm tra cống xả thải hai lần. Nhưng tôi đã đề nghị phải kiểm tra ngay sau những trận mưa lớn", ông Nghĩa nói thêm.
Nước thải quyện thành vùng đen ngòm trước khi chảy ra biển. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo ông Nghĩa, tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng việc thu hút khách du lịch tại bãi biển Thanh Khê. "Chúng tôi cũng đau xót lắm và đã nhiều lần kiến nghị nhưng thành phố chưa có kinh phí lập dự án xử lý. Đây là vấn đề lớn của Đà Nẵng", ông cho hay.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Đức, Phó giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thừa nhận, khi trời mưa hoặc mất điện, nước thải chảy tràn ra cống. Nếu ngăn dòng nước thì dẫn đến nguy cơ ngập úng các khu vực dân cư phía trên. "Chúng tôi chưa có giải pháp xử lý triệt để, nếu có cũng chỉ là hạn chế mùi hôi của nước thải", bà Đức nói.
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ môi trường (Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng) nói thêm, trước đây lực lượng chức năng có lắp lưới tại các miệng cống để ngăn rác nhưng khi mưa lớn nước ứ đọng gây ngập úng các khu dân cư.
Cả bãi biển dài gần cống xả thải không có bóng người tắm. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Một (50 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), cho biết đã phải sống với ô nhiễm do xả thải trực tiếp ra biển hơn 10 năm nay. Khi thành phố xây dựng các cống thải, tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm do nước thải không được xử lý.
"Ngày nào cũng có nước thải đổ ra biển. Khi trời mưa thì nước ồ ạt hơn, xác động vật đều tống ra hết. Hôm vừa rồi có trận mưa lớn, thế là cả một vùng biển trước miệng cống cuối đường Tôn Thất Đạm đen ngòm loang cả một vùng biển, hôi thối không chịu nổi", ông Một nói.
Theo cư dân này, những người lội xuống khu bùn đen trước miệng cống thải đều bị lở loét chân tay. "Xử lý nước thải là việc của chính quyền. Nhưng chúng tôi chờ lâu quá nên ai cũng bức xúc. Người dân chúng tôi buôn bán cá quanh cống xả thải này tuyệt nhiên không có chuyện xả rác gây ô nhiễm", ông Một cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.