Tài xế các hãng xe công nghệ xếp hàng mua giùm đồ uống cho khách tại một cửa hàng ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trong khoảng 1 năm sau khi Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á hồi tháng 4-2018, nhiều doanh nghiệp đã rầm rộ ra mắt ứng dụng gọi xe công nghệ tại VN như Mai Linh, Fast-Go, Vato, Aber, MLV, Go-ixe, Xelo...
Nhiều "tay chơi" tạm nghỉ
Các ứng dụng này ban đầu có rất nhiều chính sách thu hút tài xế, khuyến mãi cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay cuộc đua đã tạm dừng với một số "tay chơi".
Ứng dụng của Aber chào sân hồi tháng 6-2018 với điểm mới không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ôtô, giao hàng, xe doanh nghiệp... Chỉ ít tháng, ứng dụng này phải thông báo ngừng hoạt động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo của Aber xác nhận đang trong thời gian tạm dừng để... chuẩn bị cuộc chơi lớn hơn. Vị này cũng thừa nhận thời gian qua chứng kiến cuộc đua "đốt tiền" của đơn vị đối thủ quá mạnh nên phải tìm hướng khác để cạnh tranh.
Dù không tiết lộ vì sao ứng dụng vắng bóng trên thị trường và khả năng hoạt động lại khi nào, vị này cho biết vẫn cố gắng đưa ứng dụng này cạnh tranh sòng phẳng trong thời gian tới.
Trong khi đó, đã có kỳ vọng một đối thủ nặng ký của Go-Việt, Grab khi Tập đoàn Phương Trang đầu tư 2.200 tỉ đồng vào phát triển ứng dụng gọi xe VATO. Lãnh đạo của ứng dụng này xác nhận với Tuổi Trẻ cũng đang lên kế hoạch định hướng phát triển ứng dụng này phát triển mạnh hơn khi tận dụng hệ sinh thái của Phương Trang.
"Trong thời gian qua, cuộc đấu của Go-Việt, Grab khá mạnh nên phải tìm hướng khác chứ không tham gia đua vào cuộc chơi này" - vị này nói.
Nhiều tài xế và khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ cũng cho hay ứng dụng Fast-Go, MLV, Go-ixe khá ít xuất hiện trên thị trường, số lượng tài xế ít, đặt xe khá lâu nên có tài xế đã chuyển qua ứng dụng khác.
Sức ép từ các đối thủ lớn về nguồn vốn, quy mô, số lượng tài xế khiến một số ứng dụng gặp khó khăn. Nhiều đơn vị tháo chạy khỏi cuộc chơi, không chỉ mảng vận tải mà ngay cả giao nhận thức ăn.
Như ứng dụng Lala được hậu thuẫn bởi Ahamove đã phải nói lời giã từ, đóng cửa ở lĩnh vực giao nhận thức ăn vào đầu năm 2019 vì gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đơn vị như Now, Foody, Grab và Go-Việt.
"Cuộc chiến" tiếp tục khốc liệt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải - tổng giám đốc Be Group - cho rằng tiềm năng về vận tải ở VN còn rất lớn. Theo báo cáo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, doanh thu thị trường gọi xe công nghệ đạt 500 triệu USD/năm. Tuy nhiên, 93% số này dự báo đến từ 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Vì vậy, tiềm năng ở các tỉnh khác có thể khai phá còn rất nhiều.
Ngoài mảng vận chuyển, Be Food cũng đang tuyển dụng hứa hẹn một cuộc chiến gay cấn và khốc liệt hơn bên mảng vận chuyển thức ăn. "Có hàng chục nghìn tài xế mà không tận dụng để triển khai các dịch vụ khác như giao hàng, giao thức ăn, đi chợ... thì rất phí" - ông Hải nói.
Trong khi đó, không chỉ phát triển ở mảng vận tải, các ứng dụng Go-Việt, Grab cũng lao vào đầu tư mảng giao nhận thức ăn và giao hàng.
Đại diện Grab cho biết đơn vị này vừa nhận thêm 1,46 tỉ USD từ quỹ Vision của SoftBank. Đơn vị này cũng lên kế hoạch mở rộng các lĩnh vực kinh doanh hiện tại như dịch vụ tài chính, giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa, nội dung số và thanh toán kỹ thuật số, đồng thời công bố thêm nhiều dịch vụ mới trong năm 2019.
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận cuộc đua giành thị phần của các đơn vị được dự đoán sẽ khốc liệt hơn ở mảng vận tải và giao nhận thức ăn. Cuộc đổ vốn, "đốt tiền" khuyến mãi để chiếm thị phần, tài xế và khách hàng sẽ có lợi. Đồng thời, sẽ đào thải được những đơn vị không đủ năng lực, thị trường sẽ bớt rối loạn.
Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh, vị này cho rằng điều cốt yếu giữ chân khách hàng phải là chất lượng dịch vụ.
Ông Bùi Danh Liên - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng trong cuộc đua tại Việt Nam của ứng dụng gọi xe công nghệ đang được ví là "đốt tiền". Chỉ có những doanh nghiệp có đủ tiềm lực và một chiến lược khôn ngoan mới có thể trụ lại và giành thị phần.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.