950 đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

25/09/2018 10:50

Sáng 24.9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 947 đại biểu - đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế.

 

cd2_bddx
Các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và BCH khóa XI bỏ phiếu giới thiệu nhân sự bổ sung để Đại hội XII bầu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII. Ảnh: Báo Lao động

Đây là sự kiện quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức công đoàn.

Tham dự đại hội có 950 đại biểu, đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động cả nước. Đại hội diễn ra từ 24/9 đến 26/09.

Tại đại hội, các đại biểu sẽ đánh giá lại các hoạt động công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018, đề xuất mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ, các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2018-2023 và bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới.

Đặc biệt, trong khuôn khổ đại hội, chiều 24/09 đã diễn ra Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Đây là dịp để các đại biểu bày tỏ nguyện vọng, hiến kế và thể hiện quyết tâm của Công đoàn Việt Nam cùng Chính phủ nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Đại hội này, Tổng liên đoàn sẽ đưa ra những định hướng, những chủ trương rất lớn, rất mới, đổi mới về mặt tư duy trong hoạt động công đoàn.

“Công đoàn của chúng ta trước đây chủ yếu khu vực nhà nước, do đó tính bảo vệ đại diện ở mức độ. Nhưng kỳ này nhiệm vụ bảo vệ đại diện, chăm lo phải đẩy rất mạnh, đặc biệt là chăm lo lợi ích, như chương trình phúc lợi đoàn viên, nghĩa là lấy lợi ích mang lại cho đoàn viên làm điểm tập hợp, phải tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên công đoàn và những người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn”, ông Bùi Văn Cường nói.

Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam

ttcp_aulp
Thủ tướng nêu một số câu hỏi và vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận. (Ảnh: VGP).

Chiều 24/9, trong khuôn khổ chương trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII, thể theo nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động và các đại biểu chính thức dự Đại hội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Đại hội tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Đại hội. Cuộc gặp có chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai;  Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các Bộ, Ban,ngành Trung ương.

Mở đầu buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đại hội, kỹ lưỡng, chu đáo, có nhiều đổi mới trong tuyên truyền từ cơ sở. Cùng với trách nhiệm của đại biểu, sự điều hành chặt chẽ khoa học của Đoàn chủ tịch Đại hội, Thủ tướng tin tưởng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Thủ tướng đã nêu một số câu hỏi và vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận: Đó là nhìn nhận của đại biểu về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới? nhận xét về công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua và hiến kế cho Chính phủ để công tác điều hành đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới? Nhìn nhận của các các đại biểu về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ giác độ người lao động.

Tại buổi gặp gỡ, các cán bộ công đoàn đã trả lời những câu hỏi gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Thủ tướng Chính Phủ về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, các chính sách đào tạo nghề cho lao động nhằm hội nhập kinh tế quốc tế trong thơi kỳ cách mạng 4.0; …

Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch công đoàn Công thương đề nghị: Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, kiến nghị của nhà nước trong hoạt động của tổ chức công đoàn, thông qua đó tổ chức công đoàn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, giúp duy trì sự ổn định chính trị xã hội của đất nước.

"Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết tâm chỉ đạo xây dựng một cách có hiệu quả Chính phủ kiến tạo nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước; Đề nghị Chính phủ ưu tiên đào tạo lao động có kỹ thuật cao để nâng cao năng suất lao động, có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính phủ có thể tạo cơ chế thuận lợi tổ chức công đoàn động viên hỗ trợ người lao động theo hướng người lao động sẽ học tập suốt đời", ông Trần Quang Huy nhấn mạnh.

Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những câu hỏi và nội dung trả lời của các đại biểu. Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, bám sát chủ đề, với nhiều hiến kế rất có ý nghĩa của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng, tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật và lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều chương trình hiệu quả, thực chất, góp phần chăm lo tốt hơn cho người lao động. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành, địa phương đã chủ động đến với công nhân lao động, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại về những vấn đề lớn mà người lao động đang thực sự bức xúc, quan tâm; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung giải quyết. Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp đẩy mạnh các phòng trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, người lao động, tạo sức lan tỏa sâu rộng, đạt kết quả tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những thành tựu mà đất nước ta đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng và có ý nghĩa lịch sử, khích lệ đất nước vững tin bước tiếp trên con đường đổi mới, tuy nhiên, cần nhận rõ những khó khăn, thách thức, nguy cơ: Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; Nguy cơ chống phá, "diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch", trong khi đó, một bộ phận người dân, trong đó có công nhân, viên chức, lao động thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần; phần lớn công nhân phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận công nhân, viên chức, lao động. Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình, quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy vai trò người đảng viên, đoàn viên công đoàn cách mạng, tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, mang lại cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc cho người dân, trong đó có anh chị em công nhân, viên chức.

Thủ tướng mong muốn công nhân, viên chức, lao động cả nước cùng chung tay, góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Phải luôn đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, công tác.

"Mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động phải đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần phụng sự, cống hiến; về khát vọng vươn lên; về lòng tự trọng, liêm chính và trung thực; về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong quá trình lao động và hoạt động của mình. Tất cả người lao động Việt Nam từ khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức lao động, trang bị kiến thức pháp luật xây dựng tác phong công nghiệp thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí biết trân trọng và tự hào về kết quả của công việc", Thủ tướng khẳng định.

Để tập hợp, tổ chức, vận động được đông đảo công nhân, viên chức, lao động cả nước tham gia vào nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này một cách thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn theo đường lối của Đảng, và pháp luật của nhà nước. Vận dụng sáng tạo ở mọi  cấp bộ ngành, nhất là cấp cơ sở. Đề nghị có chương trình hành động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Tôi đề nghị các đồng chí đưa chủ đề Công đoàn Việt Nam đồng hành với chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước thành một chương trình hoạt động của công đoàn. Đây cũng là một yêu cầu, đòi hỏi, đặt hàng của Chính phủ đối với các đồng chí. Đề nghị các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm để làm tốt hơn nữa trong việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần và đảm bảo an toàn cho người lao động, công nhân Việt Nam", Thủ tướng nêu rõ.

Sau buổi gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu dự Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam./.

Ý kiến của bạn

Bình luận