Những chiếc máy bay kích thước lớn từng là tương lai của du lịch hàng không. |
Vào ngày 14/2, Airbus tuyên bố ngừng sản xuất máy bay A380. Họ sẽ giao những chiếc A380 cuối cùng cho các hãng hàng không như Emirates vào năm 2021.
Quyết định của Airbus cho thấy các hãng hàng không không còn ưa chuộng những chiếc máy bay siêu lớn, thay vào đó, họ chọn những chiếc máy bay nhỏ hơn, hiệu suất tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Máy bay phản lực Boeing 747 cũng sắp bị khai tử. Hãng Boeing chỉ bán 8 chiếc 747 trong năm 2018.
“Rõ ràng thời đại của những chiếc máu bay khổng lồ, 4 động cơ sắp kết thúc”, Tom Enders, CEO của Airbus nói với CNN.
'Người khổng lồ' trên bầu trời
50 năm trước, chiếc 747 bắt đầu chuyến bay đầu tiên qua bang Washington. Từ đó đến nay, Boeing đã bán hơn 1.500 máy bay siêu phản lực. Boeing 747 là chiếc máy bay tạo được cảm tình với những hành khách hứng thú với những chuyến đi trên tầng 2 hay hài lòng với việc lên xuống cầu thang trong máy bay.
Các hãng hàng không cũng ưa chuộng 747. Những khách hàng đầu tiên bao gồm Pan Am và Japan Airlines, trong khi British Airways, Cathay Pacific đang đặt mua những chiếc 747 còn lại.
Năm 1970, một số nhóm hàng không vũ trụ châu Âu sát nhập thành Airbus. Ban đầu, Airbus tập trung sản xuất máy bay 2 động cơ, sau đó, hãng mở rộng và khai thác những địa điểm tiềm năng – những vùng đất nơi đối thủ Mỹ đã thống trị trong nhiều thập kỷ. Khi đó, các sân bay trở nên đông đúc và các hãng hàng không lâm vào cuộc chiến tranh giành không gian cổng ra vào. Tình hình bất ổn liên tục, nhu cầu về những chiếc máy bay kích thước lớn, chở được nhiều hành khách gia tăng.
Những chiếc máy bay khổng lồ giúp các hãng hàng không đáp ứng sự bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, đồng thời, tiết kiệm nhiên liệu.
Thời hạn 10 năm
A380 được phát triển với chi phí 25 tỷ USD, tuy nhiên, việc đặt cược vào một chiếc máy bay chở 800 người là một điều sai lầm. A380 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2007, thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lưu lượng hành khách giảm mạnh, khiến ngành hàng không phải trả giá bằng mức tăng trưởng trong 2 năm.
Những năm sau đó, bằng việc tập trung vào các chuyến bay quá cảnh giữa các khu vực, nhiều hãng hàng không đã giải quyết được bài toán về sức chứa. Sự tăng trưởng bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair đã củng cố xu hướng đó, các đơn đặt hàng với dòng máy bay nhỏ hơn như Boeing 787 và Airbus A320 nhiều lên đáng kể.
Chi phí nhiên liệu tăng và nỗ lực giảm khí thải carbon là đòn giáng cuối cùng xuống những chiếc máy bay siêu phản lực. Dòng máy bay này cần tới 4 động cơ thay vì 2 động cơ như thông thường.
Cho đến nay, Airbus mới chỉ giao 234 chiếc A380, chưa đến 1/4 trong số 1.200 chiếc dự kiến bán trong lần giới thiệu chiếc A380 đầu tiên.
“Chúng tôi đã có ít nhất 10 năm, quá lâu cho A380”, Enders nói. “Chúng tôi đang phát triển những chiếc máy bay tiết kiệm nhiên liệu, có rất nhiều tính năng ngoại trừ chở nhiều người”.
Boeing vẫn chế tạo máy bay thân rộng 777, một loại máy bay chuyên dụng chỉ có 2 động cơ. Airbus cũng tiếp tục sản xuất dòng thân rộng A350 và A330.
Không còn được ưa chuộng
Đầu năm 2018, hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai đã “cứu rỗi” chương trình A380 bằng đặt một đơn hàng lớn cho dòng máy bay này.
Tuy nhiên, trong tuần này, Emirates theo chân các hãng hàng không khác như Qantas hủy đơn hàng. Thay vào đó, Emirates mua lại 70 máy bay chở khách kích thước nhỏ từ Airbus – mẫu máy bay kết hợp giữa 2 dòng mới nhất là A330 và A350.
“Chương trình A380 đặt gánh nặng lên chúng tôi trong nhiều năm và đó là một trách nhiệm nặng nề. Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không có tiến triển nào”, Enders nói
Boeing 747 dự kiến cũng chịu số phận tương tự. A380 – “nữ hoàng bầu trời” đã bị mọi hãng hàng không Mỹ bỏ rơi, chỉ còn phiên bản chở hàng của dòng máy bay này được sản xuất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.