Ai đang cướp đi việc làm của công nhân ô tô Mỹ?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
23/06/2017 17:54

Ngành ô tô Mỹ thêm được 175,9 tỷ USD giá trị gia tăng trong năm 2016. Số lượng việc làm trong ngành ô tô chỉ bằng 70% so với 2000.

 

robottesla_qszz

Robot lắp ráp ô tô trong nhà máy của Tesla - Ảnh: Tesla

Ngành ô tô nước Mỹ đang đối diện với vấn đề: tăng trưởng việc làm rất thấp. Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, chính sự tự động hóa trong quá trình sản xuất đã dẫn đến việc ngày một nhiều người Mỹ mất việc làm.

Còn theo quan điểm của nhiều công nhân Mỹ đang hoặc từng làm việc trong ngành ô tô Mỹ, mọi chuyện ở đây hoàn toàn khác. Họ khẳng định họ mất việc do Mỹ ký ngày một nhiều các hiệp định thương mại với Mexico và nhiều nước khác. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có quan điểm tương tự.

Phóng viên của báo Nikkei đã đến nhiều nhà máy ô tô tại Mỹ để tìm hiểu vấn đề này, dưới đây là câu chuyện được phóng viên ghi nhận.

Tại nhà máy East Liberty của Honda tại bang Ohio, Mỹ, người ta nhìn thấy hàng dài robot đứng xếp hàng trong các dây chuyền sản xuất. Khoảng 700 robot lặng lẽ lắp ráp và xử lý nhiều công đoạn trong quá trình hoàn thiện nên sản phẩm xe ô tô cuối cùng. 

Nếu như cách đây chỉ 3 năm, robot chủ yếu đảm nhận các công việc giản đơn, ví như hoàn tất việc lắp kính chắn gió thì nay đã được đưa vào nhiều công đoạn khác phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều, ví như vận chuyển hàng nặng, làm công việc với tính chất lặp đi lặp lại tần suất cao. Theo lý giải của quản lý nhà máy, họ sử dụng robot để đảm bảo tính chính xác cao nhất cho mỗi công đoạn sản xuất.

Hiện nay, Mỹ là nước sử dụng robot công nghiệp nhiều nhất thế giới. Theo số liệu của Liên đoàn Robot Thế giới (IFR), trong năm 2016, ngành ô tô Mỹ đang sử dụng 127 nghìn robot công nghiệp, tăng 70% so với năm 2006.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, General Motors và nhiều hãng xe ô tô khác hạn chế đầu tư xây dựng thêm nhà máy mới, cùng lúc đó, tìm cách tăng năng suất đối với các nhà máy sẵn có bằng cách đầu tư thêm robot.

Cục phân tích kinh tế Mỹ công bố số liệu cho thấy ngành ô tô Mỹ có thêm được 175,9 tỷ USD giá trị gia tăng trong năm 2016. Trong khi đó, số lượng việc làm trong ngành ô tô chỉ bằng 70% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2000. 

Chuyên gia phân tích tại trung tâm nghiên cứu về ngành ô tô Mỹ, ông Kristin Dziczek, chỉ ra từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, robot công nghiệp đang dần thay thế con người và chính điều này giúp hồi sinh ngành ô tô Mỹ.

Nếu các nhà sản xuất Mỹ tiếp tục tuyển thêm nhân công, chắc chắn chẳng có gì để lo lắng. Thế nhưng đằng sau những cánh cửa đóng kín, các ông chủ nhà máy vẫn tiếp tục đưa thêm robot vào dây chuyền sản xuất. 

IFR dự báo tốc độ tăng trưởng về số lượng robot tại các nhà máy trên khắp thế giới trong đó có Mỹ được dự báo sẽ liên tục ở mức 2 con số từ nay cho đến năm 2019. Và không chỉ tăng về số lượng, chất lượng công việc mà robot đảm nhiệm cũng sẽ tăng dần, robot sẽ có thể đảm nhiệm các công việc ngày một phức tạp hơn.

Công ty Fanuc của Nhật, một trong những công ty sản xuất robot hàng đầu thế giới, đang kết hợp với công ty Nvidia của Mỹ để phát triển thêm các robot thông minh. Cho đến hiện tại, các robot thông thường cần rất nhiều bước lập trình để có thể thực hiện một thao tác giản đơn ví như gắp đồ vật. 

Thế nhưng dòng robot mà hai công ty Nhật và Mỹ đang muốn sản xuất sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý các thao tác. Robot loại này sẽ có thể lắp đặt các thiết bị cần nhiều thao tác khó, khó đến nỗi mà một người lao động bình thường sẽ phải mất rất nhiều năm để làm thành thục việc tương tự.

Công ty sản xuất ô tô điện lớn của Mỹ Tesla sử dụng rất nhiều robot trong sản xuất. CEO của công ty, ông Elon Musk, đã công bố kế hoạch sẽ tăng sản lượng lên 500 nghìn xe vào năm 2018. Dây chuyền sản xuất của Tesla sẽ sử dụng rất nhiều robot.

Các hãng ô tô lớn của Mỹ đang học từ sai lầm trong quá khứ. Họ không thể trốn tránh thực tế rằng họ từng thua thiệt các đối thủ châu Á, đặc biệt Nhật, trong việc sản xuất các loại xe ô tô cỡ nhỏ. Gánh nặng nợ nần từng buộc GM và Chrysler phải tuyên bố phá sản rồi sau đó lại khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Nay các hãng xe Mỹ đang phải tìm đến robot để có thể đảm bảo được năng lực cạnh tranh.

Tất nhiên điều gì cũng có giá của nó. Khi dây chuyền sản xuất có thêm một robot, 5 hoặc 6 công nhân sẽ mất việc làm, theo tính toán của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT).

Mới đây, ngành ô tô Mỹ công bố doanh số bán ô tô sụt giảm đến tháng thứ 5 liên tiếp. Khi hoạt động sản xuất thu hẹp, các công nhân ngành ô tô Mỹ sẽ phải học thêm nhiều kỹ năng mới để cạnh tranh với robot. 

Nước Mỹ đang đối diện với thách thức lớn: làm sao để người lao động có thể tồn tại chung với robot sử dụng trí tuệ nhân tạo. Những gì đang diễn ra trong ngành ô tô Mỹ mới chỉ là sự khởi đầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận