Qatar vẫn là quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn bậc nhất trên thế giới. |
Vào ngày 7/6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn quyết định triển khai quân đội đến Qatar và huấn luyện lực lượng cảnh sát của nước này. Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra một ngày sau đó rằng: “Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có mặt tại Qatar để đảm bảo an ninh cho toàn khu vực”.
Tiến sĩ Volkan Ozdemir, chủ tịch của viện nghiên cứu EPPEN tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đã có những bình luận về tình hình Vùng Vịnh hiện tại.
“Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ rõ ràng quan điểm ủng hộ Doha và điều này có thể sẽ khiến quan hệ Thổ - Mỹ trở nên phức tạp”, ông Ozdemir nói. “Qatar có quan hệ chính trị và thương mại rất bền vứng với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Qatar. Tuy nhiên không ai có thể nói trước Qatar có thể chịu được sức ép hiện tại trong bao lâu cũng như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ đồng minh của mình đến đâu”.
Ông Ozdemir cũng nhấn mạnh rằng chính sách hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và Iran có từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không còn được áp dụng nữa. Thay vào đó, chính quyền Mỹ hiện tại ủng hộ Ả Rập Xê út và việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Qatar sẽ khiến quan hệ Thổ - Mỹ trở nên khó đoán hơn.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng, với việc Qatar vẫn là một trong những nước xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn của thế giới, một số nước sẽ được lợi. “Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ có tác động tiêu cực đối với ngành năng lượng và khiến giá dầu mỏ và khí đốt tăng lên. Trong trường hợp đó, Mỹ và Nga sẽ được lợi lớn”, ông Ozdemir nói.
Trong khi đó, một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ khác là ông Bora Bayraktar cho biết, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có quan hệ hợp tác lâu đời, song quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê út cũng rất quan trọng. Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa, khủng hoảng ngoại giao Qatar có thể tác động tiêu cực trực tiếp đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ả Rập Xê út và các nước Vùng Vịnh khác đều quan ngại trước quan điểm của Qatar đối với Iran. Chính quyền Qatar đã nhiều lần gọi Iran là một thế lực đáng gờm trong khu vực. Quan điểm này đã khiến Ả Rập và các nước lân cận lo ngại. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Doha và tổ chức Anh em Hồi giáo cũng là một mối lo ngại đối với Ả Rập Xê út và các nước phương Tây, bởi họ coi đó là một tổ chức khủng bố”, ông Bayraktar nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.