Bloomberg đưa tin, hãng hàng không này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2018 và có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Air Asia nắm 30% cổ phần; 70% cổ phần còn lại là vốn góp từ công ty TNHH Gumin thuộc sở hữu của Tập đoàn Thiên Minh (TMG) và cá nhân ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT của TMG. TMG hiện điều hành sở hữu chuỗi khách sạn Victoria Hotels & Resorts tại Việt Nam và Lào. Trong khi đó, ông Kiên cũng là thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) kiêm thành viên HĐQT Công ty THHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Á Châu.
Sự gia nhập ngành của hãng hàng không mới này chắc chắn sẽ gây áp lực cạnh tranh cho các hãng hàng không trong nước, nhưng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì có thêm sự lựa chọn. Các hãng hàng không trong nước vì thế cũng sẽ phải cạnh tranh về giá vé và chất lượng dịch vụ.
Trong những năm qua, AirAisa cũng đã thành lập các công ty liên kết tại Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản. Với quy mô và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam, việc áp dụng chiến lược tương tự đối với Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Thị trường hàng không Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn, nhưng hiện chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động tại thị trường nội địa Việt Nam gồm: Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hai hãng hàng không giá rẻ VietJet Air và Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines. Xét về thị phần, đến cuối năm 2016, Vietnam Airlines nắm 43% thị phần, VietJet Air nắm 42% và Jetstar Pacific nắm 15% thị phần.
Trong năm 2016, tổng lượng hành khách hàng không nội địa của Việt Nam lên tới 57 triệu khách, tăng trưởng 30%. Việt Nam là thị trường hàng không lớn thứ 5 ở châu Á với lượng hành khách đã tăng trưởng bình quân 18%/năm trong giai đoạn 2010-2016.
Sự xuất hiện của liên doanh mới sẽ thực sự là mối bận tâm lớn của 3 hãng hàng không Việt Nam nói trên. Do liên doanh hàng không giá rẻ này sẽ cạnh tranh trực tiếp với VietJet Air và Jetstar Pacific. Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, liên doanh này sẽ đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn để điều hành một đội bay từ 11-30 máy bay.
Xét về quy mô đội bay, tính đến cuối năm 2016, Vietnam Airlines có 87 máy bay với kế hoạch tăng đội bay lên 91 máy bay và 94 máy bay lần lượt vào cuối năm 2017 và 2018. VietJet Air có đội bay gồm 41 máy bay và dự kiến sẽ tăng lên 54 máy bay vào cuối năm 2017 và 66 máy trong vào cuối năm 2018. Jetstar Pacific do Vietnam Airlines năm 70% cổ phần, có đội bay gồm 18 máy bay, dự kiến tăng lên 24 máy bay vào cuối năm 2017 và 26 máy bay vào cuối năm 2018.
Theo kịch bản cơ sở của Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC), sau hai năm đi vào hoạt động, hãng hàng không mới có thể giành được 6%-15% thị phần từ thị phần của những hãng hàng không hiện tại, cụ thể là từ VietJet Air và Jetstar Pacific do cả hai hãng này hiện cạnh tranh trên phân khúc giá rẻ.
Theo đó, HSC đưa ra hai kịch bản: Giả định đến năm 2020 hãng mới giành được 6% thị phần, tăng trưởng doanh thu trung bình của VietJet Air sẽ giảm từ 22%/năm xuống 18% trong 3 năm tới. Giả định đến năm 2020, hãng mới giành được 15% thị phần, tăng trưởng doanh thu trung bình của VietJet Air sẽ giảm từ 22%/năm xuống 10%/năm trong 3 năm tới.
Hãng hàng không mới sẽ khai thác hệ thống đường bay khu vực và đường dài của AirAsia và ngược lại. Vì vậy, mặc dù về dài hạn vị trí thứ ba trong ngành của Jetstar Pacific có thể bị đe dọa, đối thủ mới này sẽ khó có thể thay thế một trong hai hãng hàng không giá rẻ lớn nhất hiện tại. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm do cạnh tranh gia tăng.
Điểm thuận lợi cho liên doanh mới này là Chính phủ Việt Nam vốn mong muốn đẩy mạnh vận chuyển hàng không, giúp hình thành hệ thống đường bay khu vực, từ đó gia tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.