Ảnh: Reuters |
Theo CNN, Airbus muốn bán gần 200 chiếc máy bay nữa cho Trung Quốc trong tuần trước. Song các hãng hàng không Trung Quốc vẫn chưa nhận được nhiều máy bay mà họ đã đặt từ công ty, ngay cả khi chúng đã hoàn tất. Điều này xảy ra là vì hãng quản lý hàng không Đại lục vẫn chưa cho phép bàn giao các mẫu máy bay chính của Airbus.
Trên khắp nhà máy Airbus ở Đức và Pháp, hơn một chục chiếc A320neo và A321neo đang đứng chờ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) ký giấy. Các tàu bay này đã sẵn sàng để giao từ mùa xuân năm ngoái. Khoảng 6 chiếc A350 bán cho các hãng bay Đại lục cũng đang chờ tại trụ sở Airbus ở Toulouse, miền nam nước Pháp.
Có được sự chấp thuận của giới chức Trung Quốc là yếu tố quan trọng cho tương lai Airbus và Boeing tại thị trường quốc gia Đông Á. Trung Quốc được dự báo trở thành thị trường tàu bay lớn nhất thế giới trong hai thập niên tới.
Nguyên nhân chính xác khiến Trung Quốc chậm chấp thuận Airbus chưa rõ ràng. Theo nguồn thạo tin, sự chậm trễ liên quan nhiều đến chính trị hơn là công nghệ. Các lý do được gói gọn trong danh sách kéo dài mà Bắc Kinh đưa ra, liệt kê từ nhiều thỏa thuận an toàn mới với châu Âu cho đến sản xuất bổ sung ở Trung Quốc.
Phó chủ tịch phụ trách phân tích Richard Aboulafia của Teal Group cho biết vị trí tiên phong trong ngành hàng không của Trung Quốc trong cả mặt cạnh tranh lẫn mặt tiêu dùng là điều giúp nước này có lợi thế hơn Boeing và Airbus. Airbus rõ ràng cũng đang cố gắng làm hài lòng Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tuần trước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Airbus tuyên bố tăng sản xuất tại dây chuyền sản xuất cuối cùng của hãng, vốn tọa lạc tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, từ bốn chiếc A320 mỗi tháng lên sáu chiếc A320 mỗi tháng vào năm 2020. Airbus thậm chí còn đưa ra ý tưởng về việc hợp tác công nghiệp với Trung Quốc trong việc sản xuất máy bay phản lực lớn nhất thế giới A380.
Giám đốc hoạt động Airbus Fabrice Brégier và sếp CAAC Feng Zhenglin gặp gỡ hồi cuối tháng 10 để thảo luận về hoạt động kinh doanh của Airbus ở Đại lục, trong đó có vấn đề giấy chứng nhận máy bay. Airbus không cho rằng vấn đề chính trị là yếu tố tác động đến tiến độ chấp thuận từ Trung Quốc.
Hoạt động quản lý hàng không Trung Quốc được xem là nghiêm ngặt và có phương pháp tốt nhất thế giới. Cùng lúc, nước này cũng có ngành hàng không vũ trụ đang đặt mục tiêu dài hạn là cạnh tranh với Boeing, Airbus. “Người Trung Quốc khá giỏi trong việc tạo áp lực lên một số mục tiêu của họ. Người Trung Quốc làm chậm việc cấp giấy chứng nhận cho bất kỳ chương trình máy bay nào, dù là của Boeing hay Airbus”, một nhân viên cấp cao Airbus cho hay.
Việc được cơ quan quản lý Đại lục chấp thuận thường đến gần thời điểm có chuyến thăm chính trị của giới lãnh đạo, vốn thường kèm theo các thỏa thuận làm ăn kinh doanh khác. Đơn cử, Boeing nhận được chứng nhận từ Trung Quốc cho mẫu tàu bay 737 MAX vào giữa tháng 10/2017, không lâu trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2017.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.