Chính xác nó là một chiếc máy bay không người lái được tạo ra từ phương pháp in 3D. Airbus đã giới thiệu Thor vào tuần trước tại triễn lãm hàng không diễn ra ở Berlin.
Thor có chiều dài gần 4 mét với bộ khung hoàn chỉnh cùng động cơ và bộ phận cánh quạt. Airbus cho biết Thor là nguyên mẫu thử nghiệm thế hệ đầu tiên và nó chứng minh rằng công nghệ in 3D hoàn toàn có thể ứng dụng vào lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Theo hãng tin AFP, nguyên mẫu chiếc máy bay không người lái này của Airbus đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm vào tháng 11 năm ngoái gần Hamburg. Tuy nhiên, Thor đã không thực hiện chuyến bay thử nghiệm nào tại triễn lãm hàng không lần này. Ngoại trừ các thành phần điện tử trong máy, toàn bộ các chi tiết của Thor được làm bằng polyamide, một vật liệu nhẹ và có độ bền tốt, tương đương với loại "mực" đặc biệt thường dùng trong các máy in 3D.
Detlev Konigorski, người đứng đầu dự án Thor cho AFP biết: "Đây là một thử nghiệm về những gì có thể làm với công nghệ in 3D. Chúng tôi muốn xem liệu có thể đẩy nhanh quá trình phát triển bằng cách sử công nghệ in 3D không chỉ để sản xuất một bộ phận nào đó của chiếc máy bay mà là toàn bộ hệ thống".
Airbus và nhiều nhà sản xuất máy bay khác đã sử dụng các thành phần in 3D trong thiết kế máy bay của mình từ nhiều năm qua. Ngoài việc tích hợp vào các máy bay mới, phương pháp in 3D cũng đang được sử dụng để giảm chi phí bảo trì các máy bay chiến đấu đã lão hóa.
Lực lượng Royal Air Force đã thử nghiệm thay thế các bộ phận của máy bay chiến đấu Tornado được sản xuất bằng phương pháp in 3D và dự kiến họ sẽ tiết kiệm được khoảng 1,7 triệu USD nhờ phương pháp này trong năm 2017 tới.
Ngoài Thor, Airbus cũng giới thiệu một số cải tiến khác trong ứng dụng công nghệ in 3D, bao gồm cả việc tạo ra một cabin cho máy bay thương mại bắt chước cấu trúc của tế bào sống và xương. Thiết kế này được Airbus đánh giá nhẹ hơn 45% so với cabin truyền thống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.