Theo nguồn tin nội bộ của TechCrunch, sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm đối thủ Uber tại Đông Nam Á, Grab (tên trước đây là GrabTaxi) sẽ được nhận một khoản vốn đầu tư từ Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc. Tuy nhiên, giá trị của khoản đầu tư cũng như thời gian Alibaba thực hiện rót vốn hiện vẫn chưa được tiết lộ, nguyên nhân là do Grab đang phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền từ Chính phủ các nước Singapore, Philippines, Malaysia và có thể là Việt Nam. Trên thực tế, thương vụ sáp nhập của Grab và Uber tại Singapore đã phải tạm hoãn một tuần.
Alibaba và tập đoàn SoftBank của Nhật Bản (nhà đầu tư lớn nhất của Grab) cũng có mối quan hệ tốt trước đây, khi mà cả hai gã khổng lồ này cùng nhau đầu tư vào startup thương mại điện tử Tokopedia tại Indonesia.
Mặc dù nhà sáng lập Tokopedia muốn hợp tác với Tencent hơn, nhưng SoftBank đã tác động để Alibaba có thể nẫng tay trên của Tencent và hoàn tất khoản đầu tư 1,1 tỷ USD vào Tokopedia. Chính vì vậy có khả năng rất lớn SoftBank sẽ tiếp tục mở đường để Alibaba đầu tư vào Grab.
Trên thực tế, Alibaba đã từng có một cuộc đàm phán với Grab vào giữa năm ngoái. Tuy nhiên thỏa thuận này đã bị gạt sang một bên, khi mà ưu tiên lúc đó của Alibaba tại Đông Nam Á lại là Tokopedia.
Sau khi thực hiện thương vụ thâu tóm Uber, Grab vẫn đang phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khác tại thị trường Đông Nam Á. Nổi lên mới đây là startup Go-Jek đang có thị trường khá lớn tại Indonesia, và có thể sắp bước vào thị trường Việt Nam. Tencent cũng là một trong những nhà đầu tư lớn của Go-Jek, nên việc Alibaba muốn đầu tư vào Grab để đánh bại đối thủ lớn nhất của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Vào ngày hôm nay (8/4), Grab đã "nuốt chửng" thành công Uber bất chấp việc có được Việt Nam thông qua hay không. Hãng thậm chí còn khẳng định họ không cần phải báo cáo thương vụ này cho cơ quan quản lý tại Việt Nam vì thị phần kết hợp của Grab và Uber tại đây được xác định "thấp hơn 30%". Ngày 6/4/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có buổi làm việc với đại diện hợp pháp của Grab và hãng chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Được thành lập vào tháng 6/2012 và đặt chân lên Việt Nam vào ngày 27/2/2014, dịch vụ chia sẻ xe (ride-hailing) Grab đã thổi một luồng gió mới trong cách người dân đi lại, tạo thói quen sử dụng taxi mới cũng như giúp không ít người có công ăn việc làm. Đứng sau Grab là không ít nhà đầu tư lớn, trong đó đáng chú ý có Softbank, Didi Chuxing, Toyota, Hyundai và Honda.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.