Đáng nói, do đặc thù kỳ nghỉ lễ, việc di chuyển thường theo nhóm bạn bè, gia đình nên không ít tai nạn, thương vong rơi vào cả nhà. Mới đây nhất, khoảng 10h sáng ngày 29/4, trên đường tránh Nam Hải Vân, đoạn qua xã Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 4 người tử vong, 3 người bị thương. Các nạn nhân đều là người trong một gia đình đang trên đường từ Bà Nà trở về Đà Nẵng sau chuyến du lịch.
Tại BV Việt Đức, trong 5 ngày nghỉ lễ khoa Cấp cứu đã tiếp nhận từ 120-160 ca cấp cứu mỗi ngày, trong đó có khoảng 60-70% là các ca liên quan đến tai nạn giao thông. Trong đó nhiều trường hợp bạn bè đèo nhau, anh em đèo nhau đi chơi, về quê… bị tai nạn.
“Các ca tai nạn giao thông được chuyển đến BV Việt Đức thường là những ca tai nạn rất nặng nề, trên đường quốc lộ, cao tốc do tốc độ lái xe nhanh nên khi xảy ra va chạm gây chấn thương rất nặng cho nạn nhân. Rất nhiều trường hợp đưa đến cấp cứu là thanh niên, với nồng độ cồn trong máu cao, bị các chấn thương nặng như đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương đùi, cột sống, hàm mặt…”, một bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cũng như những kỳ nghỉ lễ trước, do đã lường trước được số bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn sẽ tăng lên, với đặc thù là BV ngoại khoa đầu ngành ở khu vực miền Bắc, chuyên nhận cấp cứu từ các tuyến chuyển lên là những ca rất nặng nên bệnh viện rất chú trọng đến công tác trực cấp cứu. Ngoài các kíp trực được duy trì, BV luôn có các đội trực cấp cứu ngoại viện, là lực lượng phản ứng nhanh, sẵn sàng lên đường trong vòng 20 – 30 phút khi có lệnh điều động trong các tình huống tai nạn, thảm họa với nhiều người bị chấn thương, thương tích trong thành phố và ngoại tỉnh.
Cũng theo PGS Quyết, tình trạng TNGT trong suốt năm hay các kỳ nghỉ lễ, đáng ngại nhất vẫn là do uống bia rượu. Tai nạn xảy ra phần lớn nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Nhiều trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân…
Theo các bác sĩ, trong hai ngày cuối tuần lới đây, khi lượng người di chuyển từ quê, các khu du lịch về thành phố, mật độ giao thông cao, nguy cơ TNGT cũng sẽ gia tăng. Vì thế, Bệnh viện vẫn duy trì các kíp trực để sẵn sàng cấp cứu người bị nạn.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai cho biết trong những ngày lễ, khoa Cấp cứu tiếp nhận trung bình 100 – 130 ca cấp cứu/ngày. Trong đó, ngoài những ca cấp cứu vì các bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ thì có cả những ca cấp cứu do ngộ độc rượu, chảy máu đường tiêu hóa, viêm tụy cấp.
Trong suốt những ngày lễ, để hỗ trợ giảm tải khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai vẫn duy trì các bàn khám bệnh tại khoa khám bệnh và tại tất cả các khoa lâm sàng đều thực hiện khám tại khoa cho bệnh nhân đến khám chuyên khoa hoặc tái khám. Nhờ duy trì hình thức khám này, khoa Cấp cứu đã không còn quá tải, các bác sĩ tập trung cấp cứu được các ca bệnh nặng, hiểm nghèo.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trong suốt kỳ nghỉ lễ Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bệnh tổ chức các kíp cực cấp cứu, trực bệnh phòng đề đảm bảo công khám điều trị bệnh nhân. Các BV không được phép từ chối tiếp nhận bệnh nhân trong các ngày nghỉ lễ. Trong trường hợp bệnh nhân và người nhà có thể phản ánh những bức xúc về tinh thần, thái độ, những phiền hà về thủ tục hành chính khi đi khám bệnh trong những ngày này có thể phản ánh qua đường dây nóng được các bệnh viện duy trì 24/24 giờ.
Theo Dân Trí
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.