Thực trạng đường sắt Việt Nam
Tuyến đường sắt Thống Nhất với tổng chiều dài đường chính tuyến là 1.726km, khổ đường 1.000mm được xây dựng từ khá lâu với tiêu chuẩn kỹ thuật và tốc độ thấp. Nhiều đường cong bán kính nhỏ hơn 300m, cá biệt có đoạn R = 97m; độ dốc hạn chế lớn nhất Ip = 17‰; bề rộng nền đường hẹp chủ yếu từ 4,4 – 5,0m, ray, ghi, tà vẹt cũng đã xuống cấp nhiều. Tải trọng cầu, đường trên tuyến không đồng đều, làm giảm tốc độ lữ hành trên toàn tuyến.
Hiện nay, trên toàn tuyến có 1.452 cầu với tổng chiều dài 36.332m, 27 hầm với tổng chiều dài 8226,35m, 166 ga, 1.047 đường ngang và 2.881 đường dân sinh tự mở.
Trong những năm gần đây, ngành Đường sắt đã lập nhiều dự án, kêu gọi vốn đầu tư cho tuyến đường sắt Thống Nhất nhưng do nguồn vốn cho đường sắt hạn hẹp nên các dự án chủ yếu vẫn mang tính duy trì đảm bảo an toàn chạy tàu, tăng cường năng lực thông qua mà chưa có đầu tư xây dựng mới. Mặt khác, tình hình triển khai, giải ngân các dự án còn chậm, không đạt kế hoạch.
Do còn nhiều hạn chế nên nhìn chung, tuyến đường sắt Thống Nhất có năng lực thông qua thấp (không quá 18 đôi tàu/tuyến/ngày đêm).
Dự báo nhu cầu vận tải trên trục Bắc – Nam
Thời gian qua đã có nhiều tổ chức trong và ngoài nước thực hiện dự báo nhu cầu vận tải trên trục Bắc – Nam. Trục Bắc Nam kéo dài từ Hà Nội đến TP. HCM, đi qua 21 tỉnh, thành phố của đất nước. Vận tải đường sắt với ưu thế loại hình vận chuyển đáp ứng khối lượng lớn, tốc độ nhanh, cự ly dài, ít phụ thuộc vào thời tiết khí hậu và chiếm dụng ít diện tích đất sẽ là lựa chọn rất phù hợp với vai trò chủ đạo trong điều kiện hiện nay.
Từ nhu cầu vận tải trong tương lai cho thấy, nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường sắt khi không có đường sắt đôi điện khí hóa khoảng 17 – 18,5% và khi có đường sắt đôi điện khí hóa chiếm khoảng 55 – 59% (chiếm phần lớn nhu cầu vận tải hành khách trên trục Bắc Nam). Hơn nữa, nhu cầu vận chuyển đường bộ và đường hàng không đã giảm mạnh với kịch bản xây dựng đường sắt mới, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trên đường sắt thường có giảm nhưng vẫn rất lớn (năm 2030 khoảng 28.100 hành khách/ngày đêm, 55.500 tấn/ngày đêm) và không ngừng tăng trưởng ở các năm tương lai. Điều này chứng tỏ, nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường sắt trên trục Bắc – Nam sẽ phải giữ vai trò chủ đạo.
Định hướng phát triển GTVT đường sắt trên trục Bắc – Nam
Đối với đường sắt Bắc – Nam hiện tại
Phát triển đường sắt Bắc – Nam hiện tại để đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, đảm bảo hiệu quả với 4 phương án đầu tư:
Phương án 1: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện tại chuyển sang tuyến đường đơn khổ 1.435mm. Mục tiêu của phương án này là nâng cao năng lực vận tải bằng cách chuyển khổ đường hiện tại sang khổ 1.435mm.
Phương án 2: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện tại phù hợp với điều kiện thực tế. Mục tiêu của phương án này là nâng cấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt cấp 1 đối với những đoạn thuận lợi còn lại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt cấp 2, cấp 3 để đảm bảo an toàn, cải thiện năng lực tuyến đường.
Phương án 3: Nâng cấp, cải tạo toàn tuyến đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt cấp 1 theo Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của dự án này là phát huy tối đa năng lực vận tải của tuyến đường sắt đơn, khổ 1.000mm Hà Nội – TP. HCM hiện tại, tốc độ tàu khách Vmax = 120km/h.
Phương án 4: Nâng cấp, cải tạo toàn tuyến thành đường đôi, khổ 1.000mm. Mục tiêu của dự án là nâng cấp thành tuyến đường đôi không điện khí hóa, cải thiện tốc độ chạy tàu so với hiện nay. Đường đôi được triển khai bằng cách thêm một đường mới cho tuyến đường đơn hiện tại.
Trong 4 phương án trên thì phương án 2 được đánh giá là khả thi nhất vì các nội dung cần đầu tư nâng cấp đa số tận dụng được kết quả các dự án đã và đang triển khai nên có kinh phí đầu tư thấp và năng lực có thể đảm bảo, đáp ứng nhu cầu vận chuyển đến năm 2020.
Như vậy, phương án đầu tư hợp lý với tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có là: Giai đoạn 2013 – 2020: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện tại phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án đã và đang triển khai; nâng cấp một số đoạn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt cấp I. Giai đoạn 2020 – 2050: Phân kỳ nâng cấp, cải tạo thành đường đôi trên từng khu đoạn theo nhu cầu.
Đối với đường sắt mới trên trục Bắc – Nam
Phương án 1: Xây dựng đường sắt đôi, khổ 1.435mm điện khí hóa chạy chung tàu khách, tàu hàng với tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu: Vận tốc thiết kế đạt 150km/h; vận tốc khai thác: Tàu khách đạt 130km/h, tàu hàng đạt 100km/h.
Phương án 2: Xây dựng đường sắt đôi, khổ 1.435 điện khí hóa chỉ chạy tàu khách với tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu: Vận tốc thiết kế: 200km/h; vận tốc khai thác: 175km/h. Đây là phương án được kiến nghị làm định hướng cho phát triển đường sắt mới trên trục Bắc – Nam.
Về lộ trình của phương án được lựa chọn sẽ được chia thành 2 kịch bản:
Kịch bản 1: Giai đoạn 2020 – 2040: Đầu tư xây dựng đường sắt đôi, khổ 1.435mm điện khí hóa với tốc độ thiết kế 200km/h nhưng định hướng hạ tầng (nền, cầu, hầm) cho sự phát triển bền vững lâu dài. Sau khi khai thác được khoảng 20 – 25 năm, khi đó nền công nghiệp, trình độ KHCN của đất nước đã phát triển, đảm bảo tự chủ và nguồn nhân lực đã nắm bắt được kỹ thuật, nhu cầu vận chuyển lớn thì sẽ nâng cấp tốc độ thiết kế lên 350km/h.
Kịch bản 2: Đầu tư xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm điện khí hóa với tốc độ thiết kế 350km/h ngay từ đầu.
Ở đây, kịch bản 1 được kiến nghị lựa chọn cho định hướng phát triển tuyến đường sắt mới trên trục Bắc – Nam.
Dưới mỗi góc nhìn, ý kiến của các đại biểu tại cuộc Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá các phương án được Đường sắt Việt Nam đưa ra. Đây là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm nên làm như thế nào, cách thức tiến hành, lộ trình thực hiện, mục tiêu đạt được và tầm nhìn của dự án… cần sự thống nhất, đồng thuận, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước.
Để tạo bước đột phá trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam cần phải có bước đột phá về tư duy, phải xác định GTVT đường sắt là một ngành vận tải quan trọng trong hệ thống giao thông nói chung. Vận tải đường sắt là ngành vận tải có tác động lan tỏa lớn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế – xã hội. Mặt khác, cần có cơ chế cụ thể bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư nhằm thu hút tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đường sắt. Cần phải xây dựng và thực hiện ngay chiến lược dài hạn nguồn nhân lực song song với việc ban hành các chính sách để nhanh chóng nâng cao trình độ KHCN nói chung và công nghiệp cơ khí nói riêng, có thể làm chủ công nghệ đường sắt tiên tiến, hiện đại.
Việt Cường
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.