Máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8I của Ấn Độ. Ảnh: Hải quân Ấn Độ. |
Phó Bộ trưởng Hải quân Ấn Độ Sunil Lanba nói với tạp chí India Strategic rằng khả năng giám sát trên không là một phần quan trọng trong hoạt động hải quân. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết máy bay P-8I, biệt danh "sát thủ săn ngầm", có thể cung cấp “một phản ứng trừng phạt và duy trì quan sát ngay lập tức và mở rộng lĩnh vực quan tâm”.
New Delhi đã mua máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8I đầu tiên trong năm 2009, không lâu sau cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008. Những kẻ khủng bố sử dụng thuyền để tấn công. Ấn Độ đã mua 8 chiếc P-8I, triển khai hoạt động đầy đủ vào năm 2013. Năm 2016, Ấn Độ mua thêm 4 chiếc nữa và được hưởng giá ưu đãi của năm 2009.
Phó Bộ trưởng Lanba cho biết một số biện pháp được thực hiện từ ngày 26/11/2017 nhằm tăng cường an ninh hàng hải và các khu vực bờ biển. Mở rộng năng lực các lực lượng an ninh biển, tăng cường giám sát các khu vực hàng hải. Hải quân sẽ mua thêm máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8I để tăng cường năng lực giám sát các vùng biển.
Quan chức Hải quân Ấn Độ không cho biết cụ thể số lượng máy bay P-8I mà hải quân muốn sở hữu. Trong khi đó, người tiền nhiệm nói rằng hải quân cần 30 máy bay. P-8I là phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ của máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-8 Poseidon do Boeing sản xuất.
Máy bay được trang bị những công nghệ giám sát hàng hải và chống ngầm hiện đại nhất thế giới. P-8 có thể mang theo tên lửa chống hạm Harpoon, mìn sâu, ngư lôi. Phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ có phần mềm truyền thông riêng, hệ thống xác định bạn, thù cho phép tương tác với các hệ thống khác của hải quân và không quân. Nó cũng được trang bị liên kết dữ liệu với tàu ngầm của Ấn Độ để chia sẻ thông tin.
Đầy đủ và sẵn sàng
Chiến tranh chống ngầm đang trở thành lĩnh vực ưu tiên của Ấn Độ. New Delhi cùng Washington đã tổ chức hội đàm về công nghệ và chiến thuật liên quan. Hai nước đang ngày càng trở nên thận trọng với sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc.
Bắc Kinh đang mở rộng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương, bao gồm có mặt tại cảng ở Sri Lanka, Pakistan và xây dựng căn cứ ở Djibouti. Ấn Độ bắt đầu theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương từ năm 2013. Báo cáo năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận tàu ngầm Trung Quốc đang hoạt động ở đó.
Tàu sân bay INS Vikramaditya trong một đợt huấn luyện ở biển Baltic. Ảnh: Hải quân Ấn Độ.
Giữa năm 2016, quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết họ phát hiện tàu ngầm Trung Quốc hoạt động với tần suất trung bình 4 lần trong mỗi 3 tháng. Khi được hỏi về hoạt động của tàu ngầm ở Ấn Độ Dương, Phó Bộ trưởng Landa nói: “Chúng tôi là lực lượng quân sự chuyên nghiệp, chúng tôi xem môi trường biển an toàn là quan tâm hàng đầu”.
Ông Landa cho biết thêm Hải quân Ấn Độ nắm được sự hiện diện và ý định của các lực lượng quân sự bên ngoài đang hoạt động ở Ấn Độ Dương. “Hải quân Ấn Độ có đủ năng lực và sẵn sàng đáp ứng bất kỳ thách thức nào có thể phát sinh trong lĩnh vực hàng hải”, ông Landa nói với India Strategic.
Thận trọng với ý đồ của Trung Quốc
Tàu ngầm Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc khảo sát quanh quần đảo Andaman và Nicobar, gần eo biển Malacca, nơi có hơn 80% nguồn cung cấp nhiên liệu của Trung Quốc đi qua. Đầu năm 2016, New Delhi bắt đầu triển khai máy bay P-8I đến đảo Andaman. Kế hoạch của Ấn Độ là xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo trì để hỗ trợ cho lực lượng khoảng 15.000 quân, một phi đội chiến đấu và một số tàu chiến lớn ở đó.
Một số nguồn tin khác cho biết Ấn Độ đang có kế hoạch lắp đặt “bức tường dưới đáy biển” gồm loạt cảm biến thủy âm để theo dõi tàu ngầm. Brahma Chellaney, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Ấn Độ từng nói rằng cuộc tập trận Malabar 2017 giữa Hải quân Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản cho thấy tầm quan trọng và mối bận tâm của 3 nước đối với tác chiến chống ngầm.
Hải quân Ấn Độ đang tăng cường các cuộc tuần tra, tập trận chống tàu ngầm với các đối tác trong khu vực. New Delhi cũng đang xem xét kế hoạch chi hàng chục tỷ USD để mua sắm máy bay chiến đấu, xe bọc thép và tàu chiến.
Theo India Strategic, Ấn Độ đặc biệt quan ngại đối với hoạt động gia tăng của Hải quân Trung Quốc trong khu vực. Hải quân Ấn Độ đang xúc tiến kế hoạch đóng mới tàu sân bay hạt nhân với công nghệ của Mỹ và mua khoảng 57 tiêm kích F/A-18, hoặc Rafale của Pháp để trang bị cho tàu sân bay.
Trong quá trình hiện đại hóa hải quân, Ấn Độ đang có xu hướng chọn Mỹ làm đối tác thay vì Nga. Một nhóm quan chức Hải quân Mỹ được mời lên tham quan tàu sân bay INS Vikramaditya trong tháng 10/2017. Nhóm này sẽ đánh giá cách chuyển mô hình hoạt động của tàu sân bay này theo khái niệm của Mỹ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.