Ấn Độ thử nghiệm hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) tuần qua, bắn hạ vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Ảnh: Reuters. |
Lãnh đạo NASA cho biết vụ thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh của Ấn Độ đã tạo ra gần 400 mảnh vỡ rải rác trong quỹ đạo quanh Trái Đất, đe dọa trạm không gian quốc tế.
Jim Bridenstine, lãnh đạo Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia (NASA) của Mỹ, cho rằng việc Ấn Độ thử nghiệm tên lửa phá hủy một vệ tinh vào tuần qua là "một sự kiện tồi tệ", theo Guardian.
Bridenstine nhấn mạnh gần 400 mảnh vỡ gây ra từ vụ nổ sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các phi hành gia đang có mặt trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
Ông chia sẻ mối lo ngại này cùng các nhân viên NASA gần 5 ngày sau khi Ấn Độ bắn hạ một vệ tinh tầm thấp. Vụ thử nghiệm nhằm chứng tỏ Ấn Độ đã vươn đến hàng ngũ các cường quốc khác trong cuộc chạy đua không gian.
Theo Bridenstine, các mảnh vỡ từ vệ tinh Ấn Độ có kích thước đủ lớn để gây đe dọa dáng kể đến ISS, nhưng lại quá nhỏ để có thể giám sát di chuyển.
"Chúng tôi hiện chỉ có thể truy vết những vật thể đủ lớn, có kích thước hơn 10 cm. Đến nay, chúng tôi chỉ mới giám sát được 60 mảnh vỡ", ông cho biết.
Vệ tinh Ấn Độ bị bắn hạ ở quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất khoảng 300 km, nằm xa dưới ISS và nhiều vệ tinh khác. Tuy nhiên, có 24 mảnh vỡ đang di chuyển hướng lên tầm cao của ISS.
"Thật tồi tệ khi vụ việc tạo ra những mảnh vỡ di chuyển vượt qua ISS. Những hành động kiểu này không phù hợp với tương lai khám phá vũ trụ của nhân loại", ông Bridenstine nhấn mạnh.
"Chúng ta không thể chấp nhận điều này. NASA cần hiểu rõ tác động của vụ việc", ông nói.
Trạm không gian quốc tế (ISS) bị tăng rủi ro va chạm gần 44% sau vụ thử tên lửa diệt vệ tinh của Ấn Độ tuần qua. Ảnh: NASA. |
Mức rủi ro ISS xảy ra va chạm đã tăng 44% trong 10 ngày qua. Ông dự đoán rủi ro sẽ giảm dần khi các mảnh vỡ bốc cháy vì đi vào bầu khí quyển Trái Đất.
Theo mô hình nghiên cứu của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA), có hơn 900.000 vật thể với kích thước lớn hơn viên bi ve đang di chuyển trong quỹ đạo Trái Đất. Trong đó, 34.000 vật thể có kích thước lớn hơn 10 cm.
Quân đội Mỹ có hệ thống giám sát và truy vết các vật thể ngoài không gian để dự đoán khả năng ISS hoặc các vệ tinh xảy ra va chạm. Có hơn 23.000 vật thể với kích thước trên 10 cm đang được theo dõi.
Trong số này có 10.000 vật thể do con người tạo ra. Riêng vụ thử tên lửa diệt vệ tinh năm 2007 của Trung Quốc đã tạo ra 3.000 mảnh vỡ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.