An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 30/10/2024 13:37

Đó là chủ đề Hội thảo quốc tế do Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức, nhằm tìm ra giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông (ATGT) xe máy ở Việt Nam, sẽ được tổ chức vào ngày 4 - 5/11/2024.


An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm - Ảnh 1.

Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến của người dân

Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ là một vấn nạn mang tính toàn cầu, gây ra thiệt hại to lớn về sức khỏe cho con người và nền kinh tế của hầu hết các quốc gia, các cộng đồng, nhất là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 có khoảng 1,19 triệu người chết do TNGT đường bộ, trong đó 22% nạn nhân là người đi mô tô, xe máy. Ở nhiều quốc gia có lượng xe máy lớn như khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ tử vong do tai nạn mô tô, xe máy chiếm đến 48% trong tổng số ca tử vong TNGT đường bộ, trong đó tại Việt Nam con số này chiếm trên 60%.

Trong 20 năm qua, số lượng xe máy tại Việt Nam đã phát triển nhanh với tốc độ trung bình 9,8%/năm, đến hết năm 2023, số lượng xe máy đăng ký là 73,4 triệu xe, chiếm khoảng 93% tổng số phương tiện cơ giới đường bộ, với sự linh hoạt và tiện dụng, xe máy có thể đi bất cứ nơi nào một cách thuận tiện nên nó là phương tiện giao thông phổ biến cho nhiều đối tượng, ngành nghề, độ tuổi, xe máy không đơn thuần là phương tiện đi lại cá nhân mà còn dùng làm phương tiện kiếm sống, kinh doanh (chở người, chở hàng) và dự kiến trong 20 - 30 năm tới xe máy vẫn là phương tiện được người dân lựa chọn sử dụng.

Số lượng phương tiện xe máy tăng nhanh đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về TNGT (tai nạn liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60 - 70% tổng số vụ TNGT đường bộ), ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Việt Nam đứng đầu các nước ASEAN về tỷ lệ xe máy trên 100 dân là 73.2 xe.

Những thập kỷ gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện ATGT cho xe máy, thông qua các quy định pháp luật, các chính sách, chương trình tuyên truyền, giáo dục và các giải pháp cải thiện về hạ tầng giao thông trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt về đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, quy định nồng độ cồn khi điều khiển mô tô, xe máy.

Qua đó, giúp giảm tỷ lệ TNGT và tử vong liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy ở Việt Nam. Theo Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu năm 2023 của WHO, trong giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ tử vong do TNGT đường bộ tại Việt Nam giảm 43,5%, là 1 trong số 35 quốc gia (trên tổng số 193 thành viên Liên hiệp quốc) có tỷ lệ giảm thương vong do TNGT đường bộ trên 30% trong Thập kỷ hành động về ATGT đường bộ lần thứ nhất 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 64 của Đại hội đồng liên hiệp quốc. Đặc biệt, Việt Nam có thể đạt được kết quả trên trong điều kiện có tỷ lệ sử dụng mô tô, xe máy thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới.

Chính vì vậy, WHO đã có thư chính thức đề nghị tổ chức Hội thảo quốc tế về an toàn giao thông mô tô, xe máy tại Việt Nam trong năm 2024 với mục đích trao đổi những kinh nghiệm, rút ra những bài học thành công (trong đó có Việt Nam), chia sẻ, hỗ trợ các quốc gia mới phát sinh vấn đề ATGT đối với mô tô, xe máy, nhất là các nước ở Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh.

Đồng thời, xác định những thách thức, nhiều vấn đề còn tồn tại, khó khăn có tính chất toàn cầu trong bảo đảm ATGT mô tô, xe máy và cùng thảo luận những hướng đi, giải pháp để giải quyết những vấn đề này. Đặc biệt, Hội thảo sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho các phiên hội nghị và tọa đàm về TNGT xe máy tại Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu về ATGT lần thứ 4 do Liên hiệp quốc phối hợp với Chính phủ Ma-rốc tổ chức vào tháng 2 năm 2025 tại TP. Marakesh, Ma-rốc.

Để có những giải pháp tổng thể cho ATGT xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới, việc tổ chức Hội thảo quốc tế ATGT xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm với sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của các nước tham dự là cần thiết. Hội thảo là dịp chia sẻ những thành công, bài học và thách thức về an toàn xe máy tại các quốc gia trên thế giới; từ đó đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao ATGT xe máy, giảm thiểu TNGT liên quan đến xe máy ở Việt Nam và của các quốc gia khác với mục tiêu cụ thể:

- Giới thiệu tổng quan về Thập kỷ ATGT đường bộ lần thứ 2 và những ưu tiên đối với ATGT xe máy.

- Đánh giá hiện trạng và bài học kinh nghiệm về kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông an toàn cho xe máy, trong đó tập trung về làn đường dành riêng cho xe máy, tổ chức giao thông cho xe máy tại nút giao, ATGT khu vực trường học.

- Đánh giá hiện trạng và bài học kinh nghiệm về phát triển phương tiện xe máy an toàn, trong đó tập trung vào áp dụng hệ thống phanh chống bó cứng, hệ thống đèn chiếu sáng phía trước tự động và các thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên xe máy.

- Đánh giá hiện trạng và bài học kinh nghiệm đối với một số vấn đề liên quan đến người điều khiển xe máy như: Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đội mũ bảo hiểm; hạn chế tốc độ xe máy khi chở trẻ em dưới 6 tuổi tham gia giao thông; xử phạt vi phạm hành chính; ATGT đối với học sinh sử dụng xe 50cc, ATGT khi chuyển đổi phương tiện xe máy xăng sang xe máy điện.

- Định hướng và các bài học kinh nghiệm về các phương án, giải pháp lựa chọn thay thế xe máy.

- Tìm hiểu các bài học kinh nghiệm thực tế của Việt Nam thông qua chuyến thăm quan Nhà máy Honda, Nhà máy Protect, thăm quan mô hình xử lý vi phạm của người điều khiển xe máy qua camera của CSGT tỉnh Bắc Ninh và mô hình cổng trường an toàn tại Thái Nguyên.

- Đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao ATGT xe máy, giảm thiểu TNGT liên quan đến xe máy ở Việt Nam và của các quốc gia khác.

Hội thảo sẽ được tổ chức trong 2 ngày, 4 - 5/11, trong đó Ban tổ chức sẽ dành 1 ngày để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và luận giải các vấn đề. Ngày tiếp theo sẽ dành cho tham quan, khảo sát dự kiến tại Nhà máy Honda, Nhà máy Protect (tại Vĩnh Phúc), mô hình xử lý vi phạm của người điều khiển xe máy qua camera của CSGT tỉnh Bắc Ninh và mô hình cổng trường an toàn tại TP. Thái Nguyên.

Hội thảo có sự tham gia lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia, Cục CSGT, các đơn vị thuộc Bộ GTVT, Ban ATGT địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, TP. HCM, Tiền Giang, Đồng Nai, Cần Thơ… các trường đại học, viện nghiên cứu, Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất xe máy (VAMM), Công ty Honda Việt Nam, Công ty Yamaha Việt Nam, Công ty VINFAST, Công ty Yadea Việt Nam… Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Hợp tác An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP), GHAI, VitalStrategy, VAMM; chuyên gia, nhà khoa học từ Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Ecuador, Belize, Ghana, Etiopia, Uganda, Kenya…