Anh đề nghị EU trì hoãn Brexit

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Xã hội 20/10/2019 16:45

Thủ tướng Anh gửi thư không có chữ ký tới EU ngày 19/10 yêu cầu trì hoãn Brexit, nhưng ông cũng gửi thêm một lá thư bày tỏ không muốn gia hạn.

u-k-lawmakers-vote-to-delay-fi-1201-7163-157152843

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Bỉ ngày 17/10. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải tuân theo Đạo luật Benn được các nghị sĩ thông qua tháng trước là yêu cầu EU thay đổi thời hạn Anh rời khỏi liên minh (Brexit) từ ngày 31/10 sang ngày 31/1/2020, nếu đến hạn 31/10 mà hai bên chưa đạt được thỏa thuận.

Johnson gửi tổng cộng ba bức thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, theo một nguồn tin chính phủ Anh giấu tên. Lá thư thứ nhất là bản sao Đạo luật Ben nhưng Johnson từ chối ký vào thư này. Johnson viết rằng ông không muốn trì hoãn Brexit trong thư thứ hai và ký vào nó. Trong thư thứ ba, đại sứ Anh tại EU Tim Barrow giải thích rằng Johnson phải bất đắc sĩ gửi thư yêu cầu trì hoãn Brexit để tuân thủ luật pháp.

"Tôi đã nói rõ từ khi trở thành thủ tướng và nói rõ trước quốc hội một lần nữa vào hôm nay rằng quan điểm của tôi và chính phủ là tiếp tục trì hoãn Brexit sẽ làm tổn hại lợi ích của Anh, các đối tác EU và mối quan hệ giữa chúng ta", Johnson viết trong trong lá thư thứ hai. Johnson bày tỏ tin tưởng rằng quốc hội Anh sẽ thông qua thỏa thuận Brexit trước ngày 31/10.

Tusk thông báo ông đã nhận được yêu cầu từ Johnson. "Tôi sẽ hỏi ý kiến các lãnh đạo EU về cách phản ứng", ông viết trên Twitter ngày 19/10.

Brexit vốn được lên kế hoạch xảy ra vào ngày 29/3, hai năm sau khi cựu thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cơ chế quy định cách quốc gia thành viên rời khỏi khối. Nhưng thời hạn này đã bị trì hoãn nhiều lần, một phần vì quốc hội Anh ba lần bác bỏ thỏa thuận mà chính quyền May thống nhất với EU.

Sau khi Johnson lên nắm quyền hồi cuối tháng 7, ông khẳng định muốn Anh rời EU vào đúng ngày cuối cùng của tháng 10 dù có hay không có thỏa thuận. Phe đối lập cho rằng chính sách của ông có thể khiến Anh rời EU mà không có thỏa thuận quy định rõ ràng các khía cạnh của quan hệ hai bên hậu Brexit, như giao dịch thương mại hay quyền của công dân Anh ở EU. Điều này đặt ra nguy cơ chia rẽ đất nước, làm tê liệt nền nông nghiệp và một số ngành sản xuất, khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

Ý kiến của bạn

Bình luận