Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo |
Nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã giảm tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng so với dự toán trong quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai lại đối mặt với thách thức rất lớn do các mỏ đất nằm cách xa công trình 50-60km, giá thành cao gấp 2 -3 lần dự toán, trong khi các mỏ nằm sát dự án lại chưa được đưa vào quy hoạch để cấp phép khai thác khiến nhà đầu tư càng gặp nhiều khó khăn.
Mỏ đất cách xa dự án, chủ mỏ đưa giá “cắt cổ”
Chưa đầy một tháng sau khi hoàn tất công tác thu xếp vốn tín dụng, nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo lại đang phải đối mặt với nỗi lo mới về nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công. Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện nhà đầu tư chia sẻ: “Nguồn vật liệu đất đắp cho dự án đang rất khó khăn, nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc tháo gỡ, nguy cơ thậm tiến độ hoàn thành dự án là rất lớn, kèm theo đó nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại lớn”.
Lo lắng của nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, theo hợp đồng BOT đã ký vào ngày 30/7/2021 giữa Bộ GTVT và liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty xây dựng 194 (nhà đầu tư), thời gian hoàn thành dự án này chỉ vỏn vẹn 24 tháng. Khi làm dự án này, nhà đầu tư phải tuân thủ quy tắc lời ăn lỗ chịu, trường hợp công trình chậm tiến độ, dự án đưa vào khai thác muộn nhà đầu tư sẽ lỗ nặng.
Trở lại với nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án, đại diện Ban Điều hành dự án cho biết, nhu cầu vật liệu đất đắp từ các mỏ cho dự án khoảng 4,4 triệu m3. Trong đó, nhu cầu từ các mỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận khoảng 4 triệu m3 và 0,4 triệu m3 từ các mỏ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều đáng nói các mỏ đang khai thác (5 mỏ) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trữ lượng dự kiến chỉ khoảng 2,5 triệu m3, gồm: Núi Hòn Giài (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn), mỏ Tây núi Chà Bang (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam), mỏ Tây Bắc núi Mavieck, mỏ Nam núi Mavieck, mỏ Tây Bắc núi Mavieck (đều thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam).
Trong khi đó, cự ly vận chuyển đất từ các mỏ này đến công trường phục vụ thi công dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo rất xa, trung bình khoảng 30 - 60km và đi qua nhiều tuyến đường địa phương nhỏ hẹp, cầu yếu, nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường rất lớn.
Theo tìm hiểu, hiện giá thành cung cấp theo báo giá của các đơn vị chủ mỏ đất lên tới 160.000 - 170.000 đồng/m3, cao gấp đôi so với giá dự toán được duyệt. Các mỏ đất đang khai thác trữ lượng ít lại nằm rất xa dự án, giá thành quá đắt khiến công tác thi công nền đường của dự án đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tương tự, các mỏ đất nằm trong quy hoạch đã cấp phép thăm dò chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (8 mỏ) có trữ lượng dự kiến khoảng 4,8 triệu m3, gồm: Núi Ngỗng, Mỹ Hiệp, Núi Bà Râu, So Ngang, Sông Dinh,… cũng không gắn với thiết kế của tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoặc không có khả năng cung cấp, vận chuyển đến các đơn vị sử dụng đất đắp và giá thành của các các mỏ này cũng tăng gấp hơn hai lần so với dự toán được duyệt.
Bất thường trong kiến nghị quy hoạch mỏ vật liệu của chính quyền địa phương
Theo thông tin của PV Tạp chí Giao thông vận tải, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án, liên tiếp trong các ngày 29/9/2021, 18/12 và 29/12/2021, Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã có văn bản đề nghị UBND Ninh Thuận cấp phép 2 mỏ đất tại xã Phước Hữu và xã Phước Vĩnh (huyện Ninh Phước) vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn đến năm 2020 trong quý I/2022 để phục vụ thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Tính toán của Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho thấy, hai mỏ đất này có trữ lượng dự kiến khoảng 2 triệu m3, nằm dọc theo tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, rất thuận lợi trong quá trình vận chuyển. Cụ thể, mỏ đất xã Phước Hữu chỉ cách dự án 0,5km tiếp cận dự án tại Km110 và mỏ đất xã Phước Vinh cách dự án 7km, tiếp cận dự án tại Km94, phù hợp cung cấp vật liệu cho phân đoạn Km93+700 - Km111+685 cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Khu vực mỏ đất tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đã được 5 cơ quan của tỉnh Ninh Thuận chấp thuận đưa vào quy hoạch để làm vật liệu cho dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo nhưng UBND huyện Ninh Phước không đồng ý với lý do khu vực này được đưa vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 |
Sau khi tham vấn các cơ quan liên quan, trong Văn bản 5152 ngày 31/12/2021 gửi đến UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Phạm Quốc Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận cho biết, qua rà soát, tổng hợp có 5 đơn vị (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT) thống nhất và đồng thuận theo đề xuất của Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo về việc bổ sung hai mỏ đất tại xã Phước Vinh và xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) có diện tích khoảng 57,7ha vào quy hoạch.
Trong khi đó, chỉ có 1 cơ quan là UBND huyện Ninh Phước đồng ý bổ sung mỏ đất tại xã Phước Vinh vào quy hoạch nhưng không đồng ý bổ sung đối với mỏ đất tại xã Phước Hữu. “Lý do được UBND huyện Ninh Phước đưa ra là mỏ đất xã Phước Hữu đã được UBND huyện Ninh Phước thống nhất đưa vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, ông Vinh nêu rõ trong văn bản.
Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận ưu tiên xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung vị trí mỏ đất tại xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước) có diện tích khoảng 48,9ha theo đề xuất của Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đến năm 2020 trên địa bàn nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu về vật liệu san lấp phục vụ cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Điều bất thường là trong hai mỏ đất đề xuất của Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chỉ được Sở Xây dựng Ninh Thuận chấp thuận trình UBND tỉnh Ninh Thuận bổ sung 1 mỏ (Phước Vinh), còn lại mỏ đất tại xã Phước Hữu không được chấp thuận. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Ninh Thuận lại kiến nghị bổ sung vào quy hoạch các mỏ vật liệu khác theo đề xuất của hai doanh nghiệp không liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Cụ thể, Sở Xây dựng Ninh Thuận đề nghị đưa mỏ đất tại khu vực núi Nai (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) có diện tích 37,58ha vào quy hoạch theo đề xuất của Công ty CP Gia Việt vào quy hoạch để giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ cao tốc Bắc - Nam qua Ninh Thuận.
Cùng đó, Sở Xây dựng Ninh Thuận kiến nghị các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá để bổ sung vị trí mỏ đá thuộc khu vực núi đá Giăng (xã Lạc Tiến, huyện Thuận Nam) có diện tích khoảng 38,1ha vào quy hoạch theo đề xuất của Công ty CP Cảng quốc tế Trung Nam Cá Ná.
Tạp chí Giao thông vận tải liên hệ với ông Đặng Tiến Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Thắng cho biết: “Chúng tôi không đề xuất hai vị trí mỏ đất tại Núi Nai và mỏ đá ở khu vực núi đá Giăng. Các doanh nghiệp đề xuất bổ sung mỏ đất và mỏ đá này vào quy hoạch cũng không có liên quan gì đến dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo do chúng tôi đang triển khai”.
Cần phải nói thêm, dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 về một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, cách làm của các sở, ngành, chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận hiện không thống nhất, chưa tập trung ưu tiên giải quyết khó khăn về nguồn vật cho dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Đặc biệt, Sở Xây dựng Ninh Thuận còn kiến nghị bổ sung vào quy hoạch một số mỏ đất, mỏ đá theo đề xuất của một số doanh nghiệp khác không liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn: “Phải chăng một số cơ quan của tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tay cho một số doanh nghiệp khác trục lợi chính sách của Chính phủ dành cho cao tốc Bắc - Nam nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn?”.
Tối ngày 7/1, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, ông Lê Huyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo đề nghị của nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Sở Xây dựng Ninh Thuận đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến các ngành, địa phương để bổ sung quy hoạch mỏ đất làm vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn. “Sáng thứ 2 tới (10/1), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ nghe kết quả báo cáo của các đơn vị”, ông Huyền chia sẻ.
Tạp chí Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,35m. Trước mắt, dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Điểm nhấn của dự án là xây dựng hầm Núi Vung dài 2,2 km, lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông với quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng. Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - TCT Xây dựng 194 - Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả làm nhà đầu tư, thời gian hoàn thành xây dựng vào quý 3/2024. |
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.