Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão lúc 9h ngày 3/6 của NCHMF. |
Một ngày sau khi quặt lên phía Bắc và di chuyển chỉ 10 km/h, sáng nay tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Nam, sức gió tối đa 60 km/h, tương đương cấp 7, giật tăng hai cấp.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay áp thấp nhiệt đới vẫn theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ 10 km/h, tiến gần quần đảo Hoàng Sa và có thể mạnh lên thành bão.
Đến 7h sáng mai, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 km, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 250 km, sức gió 75 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ vùng tâm bão.
Giữa biển Đông hôm nay sẽ mưa giông mạnh, gió tăng lên từ cấp 6 lên 8, biển động rất mạnh. Ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh.
Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) là từ vĩ tuyến 12 đến 17 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113 độ Kinh Đông.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo xa hai ngày tới, bão duy trì hướng Bắc Tây Bắc, tốc độ 10 km/h và còn có khả năng mạnh thêm khi tiến gần đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đến 7h ngày 5/6, tâm bão cách đảo Hải Nam khoảng 130 km, sức gió tăng lên 90 km/h, cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo của đài khí tượng Việt Nam tương đồng với đài Hong Kong khi cho rằng bão đổ bộ vào đảo Hải Nam. Trong khi đó đài TSR của Đại học London (Anh) dự báo bão vào vịnh Bắc Bộ. Dù theo hướng nào thì ngư trường đánh cá của ngư dân Việt Nam đều bị ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống lụt bão đến 9h sáng nay chưa chỉ đạo về cấm biển mà yêu cầu địa phương từ Quảng Ninh đến Cà Mau kiểm đếm tàu thuyền, thường xuyên hướng dẫn cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để phòng tránh.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 6h hôm nay đã có trên 53.000 tàu thuyền với biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và giữa biển Đông có 979 tàu với trên 9.000 lao động.
Nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão thì sẽ là cơn bão thứ ba trong năm nay ở biển Đông. Tháng 1 và 2 mỗi tháng có một cơn bão ở biển Đông. Nguyên nhân là cuối năm 2017 và đầu năm 2018, điều kiện khí quyển đại dương vẫn ở pha La Nina, nên bão nhiều. Dự báo từ nay đến cuối năm biển Đông có khoảng 12-14 con bão, trong đó số vào đất liền Việt Nam khoảng 4-6 cơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.