Ảnh minh họa. |
Tại buổi họp báo chiều 21/6, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tháng 11 năm nay tại Việt Nam sẽ rất khác so với các năm trước. Vì nó diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu, thể hiện qua các sự kiện như Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và kế hoạch "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Ông nhận xét quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra một cách "ngập ngừng", do nhiều nước thay đổi quan điểm về việc này. Họ cho rằng nó đang tạo ra sự bất bình đẳng, gây bất lợi cho việc làm và thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, ông Lộc đánh giá hội nhập vẫn là xu hướng hiện nay và đang dần thay đổi. Vì vậy, các lãnh đạo APEC sẽ bàn bạc về toàn cầu hóa bao trùm – các bên đều có lợi, toàn cầu hóa mới – tập trung vào dịch vụ thay vì chỉ sản xuất và toàn cầu hóa mềm – trên tinh thần tự nguyện.
Lãnh đạo VCCI cho rằng "Việt Nam là điển hình thành công của toàn cầu hóa". Việt Nam có quan điểm ủng hộ hội nhập, nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng tốt và sở hữu rất nhiều hiệp định thương mại tự do.
Dù vậy, thách thức với Việt Nam hiện tại là tình trạng "một nền kinh tế, hai tốc độ", khi khu vực FDI không kết nối được với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng không lớn, khi tại rất nhiều ngành hàng, "để tạo ra 10 đồng xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu đến 9 đồng". Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không tham gia được vào nền kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng đó là mặt trái của toàn cầu hóa.
Vì vậy, ông Lộc kỳ vọng APEC sẽ giúp Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, tăng trưởng tốt hơn. Hiện các nước APEC chiếm khoảng 70% quan hệ kinh tế đối ngoại với Việt Nam. Trong Tuần lễ cấp cao APEC cuối năm nay, nhiều sự kiện kết nối sẽ được tổ chức, với sự góp mặt của 800-1.000 doanh nghiệp, cả Việt Nam và thế giới.
Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm nay đã thông báo kết quả kỳ họp lần 2 của ABAC tại Hàn Quốc. Theo đó, các đại biểu tham gia đã đồng ý thúc đẩy thương mại tự do, tăng cường kết nối trong khu vực, phát triển bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa - nhỏ - siêu nhỏ và phát triển bền vững, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.