Apple đi vay hàng chục tỷ USD trong khi đang ngồi trên một núi tiền

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Thị trường 11/05/2017 14:34

Apple hiện đang ngồi trên một núi tiền nằm rải rác ở nhiều quốc gia nước ngoài nhưng hãng vẫn đi vay hàng tỷ USD để trả cho các cổ đông.

1654537

Khoản vay của Apple trong năm nay có lãi suất từ 1,6-4,3%, một phần rất nhỏ so với 35% tiền thuế nếu mang số tiền khổng lồ kia về nước.

Theo Mercury News, gã khổng lồ tại Cupertino hiện nắm giữ đến 240 tỷ USD tiền mặt nằm rải rắc khắp nơi trên thế giới (trong tổng số vốn dự trữ 256,8 tỷ USD). Nhưng chỉ vì một lý do đơn giản nhất là thuế mà trong vài tháng đầu năm 2017 vừa qua, hãng đã 3 lần phát hành phiếu khoán không có bảo đảm (Khoản vay không yêu cầu sử dụng tài sản làm tài sản thế chấp) lên ngân hàng: vào ngày 5/5 vay 7 tỷ USD, ngày 15/2 vay 1 tỷ USD và 3/2 vay 10 tỷ USD, tổng cộng là 18 tỷ USD dùng cho "các mục đích chung của tập đoàn", bao gồm mua lại cổ phiếu phổ thông, thanh toán cổ tức để hoàn vốn cho cổ đông, tài trợ vốn lưu động, vốn chi tiêu, mua lại và trả nợ... Năm ngoái, Apple cũng đi vay nợ không đảm bảo đến 23,9 tỷ USD. Và họ cũng không đưa ra bình luận nào cho việc đi vay này.

Apple hiện là công ty có giá trị nhất thế giới trên thị trường với giá trị lên đến 802,7 tỷ USD. Tới tháng 4/2017, tiền mặt của hãng ở nước ngoài đạt 240 tỷ USD, tăng 26 tỷ USD từ giữa tháng 9 năm ngoái, chủ yếu là thu nhập từ chuyển nhượng tài sản sở hữu trí tuệ và lợi nhuận từ các công ty con ở nước ngoài. Nếu mang số tiền này về Mỹ, họ sẽ có thể bị Cục thuế Liên bang thu tới 35% trên tổng số.

Các cổ đông của hãng thì tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi nhìn đống tiền ở nước ngoài, và muốn thu về một chút gì đấy. Do đó vào đầu tháng Năm vừa qua, Apple đã thông báo mở rộng chương trình hoàn vốn cho các cổ đông, và dự định thanh toán đến 300 tỷ USD từ nay đến hết tháng 3/2019. Theo một lãnh đạo Apple, hãng tạo ra dòng tiền vận hành đến 12,5 tỷ USD và đã trả cho các nhà đầu tư hơn 10 tỷ USD.

Dự trữ ngoại tệ của Apple giúp họ có thể đi vay tiền mà không cần đảm bảo. Với nguồn tiền khổng lồ ở nước ngoài, Apple có thể có mọi nguồn lực nếu họ thấy cần thiết.

Họ đang chờ "kỳ nghỉ thuế" (thời gian ưu đãi thuế) của Quốc hội, khi đó các công ty có thể mang tiền từ nước ngoài về nước với mức thuế thấp hơn 35%. "Kì nghỉ thuế" lần trước diễn ra vào năm 2004, với mức thuế chỉ 5,25%, được cho là "một chính sách tồi tệ" của Quốc hội Mỹ.

Sau mỗi "kì nghỉ thuế", các công ty mang tiền về nước rồi ngay lập tức tích trữ một núi tiền khác ở nước ngoài. Apple được cho là cũng sẽ làm điều tương tự.

Ý kiến của bạn

Bình luận