TP HCM chìm trong "mù khô" do ảnh hưởng cháy rừng Indonesia. |
Ngày 29/10, tại buổi họp báo về kết quả hội nghị bộ trưởng môi trường ASEAN 13, chủ đề khói mù xuyên biên giới nhận được nhiều sự quan tâm nhất, sau khi Việt Nam và một số nước xảy ra hiện tượng này do cháy rừng từ Indonesia.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khói mù Indonesia trở thành vấn đề trọng tâm được nhiều quốc gia trong khu vực chú ý. Các đại biểu đã bày tỏ sự cảm thông tới hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi khói mù thời gian gần đây.
"Cháy rừng Indonesia được đánh giá là rất nghiêm trọng và lớn nhất trong lịch sử. Nó ảnh hưởng tới 7 nước, trong đó tại Việt Nam hiện tượng này kéo dài từ ngày 5 đến 7/10 ở một số thành phố như TP HCM, Cần Thơ, Cà Mau", ông Ngãi nhấn mạnh.
Vì vậy trong tuyên bố chung, các nước thành viên đã đưa ra các giải pháp thực thi để khắc phục hậu quả khói mù, như thông qua việc dự kiến xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN về Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tại Indonesia và các nước... "ASEAN đề ra mục tiêu đến năm 2020 không còn khói mù nữa", ông Ngãi cho biết.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí như đặt trạm quan trắc về nước ở những vùng có chung biên giới; kế hoạch đầu tư trạm đo mưa axit.
Theo ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, khói mù năm nay nghiêm trọng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng đặc biệt của ASEAN, những ảnh hưởng nghiêm trọng của El Nino còn kéo dài tới đầu năm 2016. Các điểm nóng về cháy nổ có khả năng gia tăng trong mùa khô của tháng 11-12/2015 tại bắc Đông Nam Á.
Đối với phía nam Đông Nam Á, các đợt gió mùa được dự đoán vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 sau đó là gió mùa phía bắc vào tháng 12/2015 có thể làm giảm các điểm dễ cháy nổ trong khu vực.
Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết duy trì các phương án, biện pháp giám sát và giảm thiểu khói mù trong điều kiện El Nino ảnh hưởng mạnh như hiện nay.
Hội nghị bộ trưởng môi trường ASEAN đã đạt được tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu; đồng thời thông qua Khung Tiêu chí giám sát thực hiện Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ASEAN. Các quốc gia cũng thông qua việc lựa chọn kỳ quan thiên nhiên Núi Timpoong Hibok-Hibok (Philippines) và Vườn quốc gia Way Kambas là Vườn Di sản ASEAN. Việt Nam sẽ đề cử Vườn quốc gia Bái Tử Long là Vườn di sản ASEAN mới và sẽ trình các tài liệu đề cử cần thiết theo các tiêu chí và hướng dẫn của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) về Vườn di sản ASEAN. Hội nghị bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 14 sẽ được tổ chức tại Brunei vào năm 2017. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.